Cảnh đẹp bình yên, trầm tĩnh của đền Cờn. Ảnh: Nguyên Bảo. |
Nhắc đến đền Cờn, các cao nhân trong làng vẫn thường ngồi kể lại cho hậu bối nghe những câu chuyện ly kỳ, huyền bí. Trước đây, trong làng có người đàn ông tên là T.M, vì bản tính ngông nghênh nên ông M không bao giờ tin chuyện linh thiêng ở đền Cờn là có thật. Cho đến một lần, khi vào đền vãn cảnh, ông lấy tay vuốt mặt các vị thần với thái độ cợt nhả và trêu đùa. Bước ra khỏi cửa đền, ông M cảm giác người mệt mỏi, yếu ớt. Những ngày sau đó, ông bỏ ăn uống, ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người mất hồn. Sau đó, chính bản thân ông M phải đích thân ra xin cầu thành khẩn nên các vị thánh đền Cờn “tha” cho.
Người dân nơi đây bao đời nay làm nghề chài lưới nên mỗi lần ra khơi đều lặng lẽ đến đền Cờn cầu xin được đi biển thuận lợi, trời yên biển lặng, mong các ngài che chở bình an trở về với tôm, cá đầy khoang.
Khúc gỗ “thần” có hồn người
Ngay những tấm gỗ, cột đình nghìn tuổi ở đền Cờn cũng có nhiều huyền thoại. Cách đây rất lâu, chẳng ai nhớ là năm nào, vì những người cao niên trong làng cũng chỉ được nghe kể lại mà thôi, năm đó lũ lụt rất to, sau khi nước rút, một khúc gỗ trầm hương mắc kẹt vào bến đò cũ nên người dân làng Kẻ Càn vớt vào bờ. Lạ lùng thay, ai chạm vào khúc gỗ cũng bị chảy máu nên mọi người đều tỏ ra sợ hãi.
Bà Nguyễn Thị Mùi (bên trái) say sưa kể cho phóng viên nghe những câu chuyện huyền bí về đền Cờn. Ảnh: Nguyên Bảo. |
Một người già trong làng vốn có kinh nghiệm cho rằng có điều kỳ lạ và lập đàn cầu khấn: “Là khúc gỗ độc thì sẽ thả trôi sông, còn nếu là thần hiển linh thì đừng gây chảy máu cho người dân nữa mà hãy nằm yên để chúng con đưa về thờ cúng”. Dứt lời, khúc gỗ nằm yên, mọi người lấy tay chạm vào đều không sao! Cho đến nay, khúc gỗ thần ngày ấy đã được chế tạo thành cột trong đền Cờn. Trải qua thử thách của thời gian, bao mưa bom, bão đạn của chiến tranh, những cột đền ấy vẫn không hề suy chuyển. Người dân ở đây một mực tin rằng, do xác của 4 mẹ con Thái hậu nhập vào khúc gỗ trầm hương nên mới hiển linh kỳ lạ như vậy. Bà Mùi kể lại rằng: “Thời kháng chiến, quân Pháp và Mỹ bắn rất nhiều bom đạn vào làng. Đường sá, nhà cửa, ruộng đồng bị tàn phá tiêu điều nhưng không có một quả bom nào bỏ trúng ngôi đền mà rơi hết xuống sông Mai Giang nên đền Cờn mới được vẹn toàn như ngày hôm nay”.
Tương truyền Tứ vị thánh nương đền Cờn rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trong đền, kể cả một lá cây hay một cành gỗ, sẽ phải nhận lấy những kết cục đáng buồn, phải đem trả lại mới yên. Cụ Phan Văn Hoa (72 tuổi, ở khối Quang Trung, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) kể lại rằng, ngày xưa ở làng, có hai cô giáo tiểu học vì thiếu thước kẻ để dạy học sinh nên vào đền Cờn để rút mấy thanh gỗ về làm thước. Về nhà, đang khỏe mạnh bình thường thì một cô bỗng dưng tóc tai rụng hết, đầu trơ chỉ còn sọ. Tưởng cô giáo bị bệnh gì, người nhà đưa đi chạy chữa, nhưng các bệnh viện đều không phát hiện ra căn bệnh. Lạ lùng thay, cô giáo đi cùng cũng có biểu hiện tương tự. Biết là mình đã “phạm thượng” với các ngài nên khi nghe cao nhân trong làng mách, hai cô đã chuẩn bị lễ vật đến trước cửa đền quỳ gối xin tạ tội. Không lâu sau đó thì tóc hai cô mọc lại và sức khỏe ổn định. n
Trong sử sách ghi, đền Cờn thờ “Tứ vị thánh nương Nam Hải Đại càn quốc gia” đã có lịch sử gần 1.000 năm, nhưng có ý kiến lại cho rằng, thờ Mẫu là cái hồn cốt của đền Cờn, bên cạnh đó, xưa nữa là thờ thần hạt lúa, thần sông, thần biển gắn với cả ước mong phồn thực trong mùa màng làm ăn và chài lưới. Theo thông lệ, cứ ngày 19 đến 21 tháng Giêng hằng năm, người dân làng Phương Cần cùng du khách thập phương lại mang lễ vật về đây để tưởng nhớ công đức của các vị thánh nương, thánh mẫu và tham gia lễ hội.