Tờ Washington Post của Mỹ hôm 1/11 đã dẫn một số nguồn tin khẳng định Thái tử Saudi Mohammed bin Salman khi điện đàm riêng với các quan chức Mỹ đã gọi nhà báo Khashoggi mới bị sát hại là phần tử Hồi giáo chủ nghĩa nguy hiểm, trái ngược hoàn toàn với các tuyên bố công khai mà vị thái tử này dành cho nhà báo quá cố.
“Ám sát” cả hình ảnh của Khashoggi
Giới phân tích cho rằng thông tin về các nỗ lực của Thái tử Saudi Salman trong việc hạ bệ hình ảnh của nhà báo Khashoggi, thể hiện trong vụ điện đàm riêng với quan chức Mỹ, cho thấy cách ứng phó của vị thái tử này trong việc kiểm soát các thiệt hại đối với chính quyền Saudi và cá nhân ông từ sau biến cố Khashoggi – người bị thủ tiêu ngay trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2/10.
Bruce Riedel, một cựu quan chức tình báo CIA và hiện là học giả tại Viện Brookings, nói: “Đây là cách ám sát hình ảnh, bổ sung vào vụ mưu sát đã lên kế hoạch từ trước”.
Nhà Trắng từ chối thảo luận các cuộc điện đàm nhạy cảm nói trên với người Saudi hoặc cho biết có bao nhiêu cuộc gọi điện mà Thái tử Salman và ông Kushner (con rể Tổng thống Trump) đã thực hiện với nhau kể từ khi nhà báo Khashoggi biến mất.
Thái tử Saudi Arabia, Salman (bên trái) và nhà báo Khashoggi. Ảnh: New York Post. |
Theo các nguồn tin gần gũi với vấn đề này, Thái tử Salman đã nói chuyện với Kushner nhiều lần. Cuộc gọi gần nhất với cố vấn Bolton và Kushner diễn ra vào ngày 9/10.
Các quan chức thảo luận vấn đề nhạy cảm này đều đề nghị giấu tên.
Ác cảm với Khashoggi
Các quan chức Saudi không úp mở về ác cảm của họ đối với Khashoggi, bao gồm cả sự khó chịu và e ngại của họ vào năm ngoái khi nhà báo này bắt đầu viết đều đặn cho chuyên mục của báo Washington Post. Trong những ngày sau khi nhà báo này mất tích và trước khi người Saudi thừa nhận ông đã bị sát hại ở Istanbul, một người thân cận với Hoàng cung Saudi cho biết Thái tử Salman đã bị bối rối trước cấp độ quan tâm cao mà cộng đồng thế giới dành cho Khashoggi - người bị Salman xem là thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo cũng như là điệp viên của Qatar.
Gia đình Khashoggi cho rằng quan điểm của ông không như mô tả của giới chức Saudi Arabia. Thông cáo của gia đình này cho biết, dù Khashoggi đồng cảm với một số mục tiêu nhất định của Anh em Hồi giáo, ông cũng chỉ trích mạnh mẽ nhiều quan điểm của tổ chức này, đặc biệt là đối với Saudi Arabia.
Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vào năm ngoái, cáo buộc nước này nuôi dưỡng các phần tử “khủng bố” Anh em Hồi giáo.
Vai trò của Kushner, con rể của Tổng thống Mỹ Trump
Theo các nguồn tin thân cận, trong khi các quan chức Mỹ suy tính về một cách phản ứng mạnh mẽ hơn (nhằm vào Saudi Arabia) thì ông Kushner đã nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Saudi Arabia trong khu vực.
Tuy nhiên các quan chức khác ở Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc lại cho rằng các lựa chọn mà Mỹ đang xem xét có thể bao gồm việc yêu cầu Saudi chấm dứt phong tỏa Qatar hay giảm dần sự can thiệp quân sự vào Yemen.
Giới chức Mỹ thận trọng cảnh báo rằng vẫn chưa có quyết định nào cả và ông Trump hầu như không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy ông có mong muốn thay đổi quan hệ Mỹ-Saudi.
Các nỗ lực của ông Kushner trong việc nuôi dưỡng quan hệ với người kế vị ngai vàng Saudi Arabia khiến ông Kushner có tiếng nói quan trọng trong việc quyết định phản ứng của chính quyền ông Trump.
Sau vài cuộc nói chuyện riêng trong chính quyền Mỹ, ông Kushner cổ xúy cho Thái tử Salman với tư cách là nhà cải cách đang hứa hẹn chuyển đổi Saudi Arabia thành một đất nước hiện đại về nhiều mặt. Năm ngoái, trong nhiều tháng liền, Kushner đã lập luận rằng Salman sẽ là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch hòa bình Trung Đông và rằng nhiều phần trong thế giới Arab sẽ đi theo vị thái tử này.
Chính Kushner là người đã hối thúc bố vợ của mình (ông Trump) thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ sang Riyadh, Saudi Arabia, bất chấp sự phản đối của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Rex Tillerson cũng như cảnh báo từ Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Trong những ngày đầu của chính quyền Trump, ông Kushner thường thích trao đổi riêng với Thái tử Salman.
Kushner đã thăm Thái tử Saudi tại cung điện của ông này trong một chuyến thăm bí mật vào tháng 10/2017 – kế hoạch này đã được tiến hành chặt chẽ đến nỗi một số quan chức Nhà Trắng và tình báo Mỹ đã bị bất ngờ.
Hai người đàn ông đều ở độ tuổi trên 30 này đã thức khuya thảo luận triển vọng kế hoạch hòa bình Trung Đông của Kushner. Vài ngày sau đó, Thái tử Salman đã ra lệnh quản thúc tại gia đối với hàng chục thành viên Hoàng gia Saudi và bỏ tù các đối thủ khác nhằm củng cố quyền lực. Nhà Trắng và Saudi Arabia đều phủ nhận việc Kushner phê chuẩn quá trình thâu tóm quyền lực này.
Phe ủng hộ và phản đối Thái tử Salman
Các nhà lãnh đạo Trung Đông khác đã bảo vệ Thái tử Salman của Saudi trong vụ Khashoggi. Các nguồn tin cho hay, trong các ngày gần đây, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tiếp cận chính quyền Tổng thống Trump để bày tỏ sự ủng hộ dành cho Thái tử Saudi. Các nhà lãnh đạo này lập luận rằng ông Salman là một đối tác chiến lược trong khu vực.
Israel, Ai Cập và Các Tiểu Vương quốc Arab (UAE) đã đoàn kết sau các nỗ lực của chính quyền Trump gây sức ép lên Iran và thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình Trung Đông giữa người Israel và Palestine.
Trong khi đó, các đồng minh khác của Mỹ, đáng kể là Đức, Anh và Pháp, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những gì xảy ra với Khashoggi – nhà báo đã viết nhiều bài bình luận trên tờ Washington Post với nội dung phê phán giới lãnh đạo Saudi Arabia.