Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM vừa có những buổi giám sát việc triển khai tổ chức thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, Nhân dân 115, Răng Hàm Mặt và Da liễu TP.HCM.
Bệnh nhân nhận thuốc bảo hiểm y tế tại BV Nguyễn Tri Phương. Ảnh: H.LAN. |
Thất thu 1,2-1,5 tỉ đồng/năm
Báo cáo trước đoàn giám sát, BS Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, cho rằng cùng thực hiện tự chủ nhưng điều kiện của các BV không đồng đều. Điển hình là BV Nguyễn Tri Phương được xây dựng từ rất lâu, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, thấm dột nhưng chưa được xây dựng, cải tạo mới, trang thiết bị đã cũ nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Giá khám chữa bệnh mới được thay đổi nhưng vẫn chưa được tính đúng tính đủ, cụ thể là chưa tính chi phí hệ thống quản lý, công nghệ thông tin khá tốn kém…
BS Chiến cho biết hiện thu nhập bình quân của người lao động tại BV là 3,52 triệu đồng/tháng, cùng với mức thu nhập tăng thêm trung bình khoảng 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, tỉ lệ bệnh nhân chưa mua BHYT, có hoàn cảnh khó khăn chiếm 10%-20% tổng số bệnh nhân nhưng đa số bệnh nặng, chi phí điều trị cao, nhiều bệnh nhân xin miễn giảm hoặc không thanh toán chi phí. Thất thu này BV phải gánh chịu. “Năm 2016 BV thất thu hơn 1,5 tỉ đồng, sang năm 2017 số tiền thất thu là hơn 1,2 tỉ đồng. Nếu như không có sự huy động từ các quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo thì BV rất khó khăn” - BS Chiến nói.
Thu không đủ bù chi
Cùng chung khó khăn với BV Nguyễn Tri Phương, BV Nhân dân 115 báo cáo mỗi ngày cứu hơn 350 bệnh nhân. Đây là một áp lực không nhỏ lên cơ sở vật chất, máy móc kỹ thuật cũng như nhân viên.
BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, nói do đây là BV đa khoa tuyến cuối nên chi phí điều trị của bệnh nhân rất cao. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế lại ban hành chung cho tất cả cơ sở y tế cùng hạng, như thế là chưa phù hợp. Nhiều dịch vụ kỹ thuật thu không đủ bù chi. Thu nhập của viên chức BV còn thấp nên đời sống còn nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều nhân viên nghỉ việc, đi làm cho các BV tư với mức lương cao hơn.
BS Báu cho rằng BV mới tự chủ chi thường xuyên, trong khi đó giá dịch vụ y tế vẫn chưa có khấu hao tài sản nên gặp khó khăn khi tái đầu tư. “Đơn cử như Trung tâm ung thư của BV Nhân dân 115, cách đây bảy năm trung tâm này được xã hội hóa với số vốn là hơn 110 tỉ đồng. Chỉ còn hai năm nữa là máy móc sẽ bị hư, trong khi đó hãng lại không còn sản xuất máy như vậy nữa. Nếu nhà đầu tư rút đi mà ngân sách không hỗ trợ thì chúng tôi không biết làm thế nào” - BS Báu nêu.
BS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt TP, thì cho biết lĩnh vực nha khoa, thẩm mỹ rủi ro cao nhưng việc triển khai bảo hiểm nghề nghiệp gặp khó. Lý do là vì nhiều công ty không nhận bảo hiểm thẩm mỹ hoặc phải mua thêm giá dịch vụ bảo hiểm rất cao. Trước giờ, khi xảy ra kiện tụng, BV thường lấy quỹ phúc lợi của BV ra để bồi thường.
“Mặc dù được tự chủ về tài chính nhưng hiện BV vẫn chưa được toàn quyền trong việc tuyển dụng nhân sự, mua sắm, xây dựng mà phải thông qua cấp trên, dẫn đến thời gian thực hiện các dự án chậm, kéo dài, giảm tính cạnh tranh của BV” - BS Minh nói.