Dọc theo Đại lộ Đông Tây từ Chợ Lớn đến Bến Bạch Đằng sẽ gặp một bệnh viện lớn có tên gọi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, tiền thân là Bệnh viện Chợ Quán - bệnh viện lâu đời nhất Sài Gòn. Trong khuôn viên bệnh viện còn có một khu nhà tù thời Pháp dùng để nhốt những người bị tâm thần, sau này giam giữ những tù nhân chính trị.
Từ Nhà thương điên một thời
Năm 1861, khi chưa được xây dựng, bệnh viện vốn là nền cũ trạm cứu thương của thực dân Pháp khi đánh đồn Kỳ Hòa. Năm 1862, một số nhà giàu hảo tâm người Việt đóng góp xây dựng và quản lý trên một khu đất rộng gần 5 hecta tại làng Chợ Quán nằm giữa Sài Gòn - Chợ Lớn đến năm 1864 được xây dựng xong, phía trước có sông Bến Nghé chảy qua (nay gọi là kênh Tàu Hủ). Do nhu cầu điều trị bệnh tâm thần nên trong bệnh viện có xây một khu riêng biệt để nhốt các bệnh nhân tâm thần.
Trong những năm 1862 - 1875, bệnh viện tiếp nhận điều trị các bệnh nhân hoa liễu và người tù bị bệnh. Đến những năm đầu thế kỷ XX, từ 1876 - 1904 do số bệnh nhân tăng nên bệnh viện được sửa chữa và xây thêm. Ngoài 110 giường cho người tù bị bệnh và 20 giường dành cho bệnh nhân bệnh hoa liễu, bệnh viện được bổ sung 6 phòng bệnh truyền nhiễm, phòng phẫu thuật và phòng sanh.
Bệnh viện Chợ Quán trước đây. |
Không chỉ có trị bệnh mà lớp nam y tá đầu tiên của cả nước được mở ra tại bệnh viện Chợ Quán năm 1901 và trở thành Trung tâm huấn luyện Y khoa. Năm 1908, khi Hà Nội mở trường y, bệnh viện ngưng công tác huấn luyện và trở thành bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, phong và tâm thần. Giai đoạn 1954 - 1957, bệnh viện đổi tên thành Viện bài lao Ngô Quyền, nhưng cuối năm 1957, bệnh viện lấy lại tên ban đầu là Bệnh viện Chợ Quán và nhận điều trị các bệnh truyền nhiễm, phong, tâm thần, đồng thời tiếp nhận lại sinh viên thực tập chuyên khoa tâm thần.
Năm 1972, khu nhà chính 6 tầng của bệnh viện được xây dựng trên diện tích 12.126m2 khánh thành năm 1974 với tên mới: Trung Tâm Y Khoa Hàn - Việt. Lúc này, bệnh viện có 550 giường trị các bệnh truyền nhiễm, tâm thần, phong, nội, ngoại, nhi và các khoa dược, cận lâm sàng, khu phẫu thuật được trang bị hiện đại. Bệnh viện được xem là "Trung tâm Y tế toàn khoa mới và tối tân hàng bậc nhất miền Nam Việt Nam" bấy giờ và được lựa chọn làm nơi thực tập của các trường y, các chương trình huấn luyện của Bộ Y tế, đào tạo tiến sĩ quản trị bệnh viện... Năm 1975, bệnh viện được lấy lại tên Bệnh viện Chợ Quán. Đến năm 2002, qua nhiều lần thay đổi bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm.
Buồng giam phạm nhân. |
Đến Di tích lịch sử văn hóa
Trong khuôn viên bệnh viện có một khu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa - một nhà tù được xây trong bệnh viện và nơi đây cũng chính là nơi đồng chí Trần Phú, vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam đã hy sinh.
Từ cửa trại giam đi vào, đầu tiên là phòng giam lớn, giam khoảng 20 người. Đồng chí Trần Phú đã ở phòng này khi mới đến trại giam, phòng rộng 3,6m x 10,2m, bên trong có bục xi-măng lót gạch hoa kích thước 1,5m x 2m. Cửa sổ có lưới sắt, kế đến là 2 phòng giam lớn và 2 phòng giam nhỏ có bức tường từ cửa ra vào đến cuối dãy nhà ngăn cách các phòng giam. Bên trái cửa trại giam có 2 phòng giam bằng nhau, bề ngang mỗi phòng hơn 10m, gần cuối dãy có 2 phòng giam cá nhân nhỏ, trên nóc phòng có giăng lưới sắt và cuối dãy là ba phòng vệ sinh.
Và di tích ngày nay. |
Cuối dãy nhà đầu tiên, rẽ tay phải đi qua khu cách ly. Khu này có cửa sắt ngăn cách với khu bên ngoài, cửa có bề ngang 1,4m. Bên trái khu cách ly có 3 phòng giam, 2 phòng đầu là phòng cá nhân, phòng thứ 3 là phòng tập thể. Đồng chí Trần Phú đã bị giam tại phòng này khi bị phát hiện ra bệnh lao. Phía bên phải khu cách ly có 3 phòng giam. Phòng đầu dãy là phòng giam cá nhân, gọi là phòng 3A, khi đồng chí Trần Phú mất đã đặt tại đây.
Trong phòng có bục xi măng, lưới sắt, sau phòng cá nhân là 2 phòng giam nữa, toàn khu cách ly có 6 phòng. Trải qua hai thời kỳ chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, ngoài đồng chí Trần Phú còn có các đồng chí như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi và nhiều người bệnh tù nhân khác từng bị giam giữ nơi đây.
Với hơn 150 năm tuổi, Bệnh viện Chợ Quán được gọi là bệnh viện già nhất Sài Gòn và khu trại giam trong bệnh viện được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988, hiện nay khu trại giam này hằng ngày mở cửa để khách đến tham quan.