Viêm não Nhật Bản chiếm 10-15% số bệnh nhân viêm não ở Việt Nam
Viêm não Nhật Bản B là bệnh truyền nhiễm do virus cấp tính. Virus viêm não Nhật Bản có ái lực với tế bào thần kinh nên khi xâm nhập vào máu, chúng tấn công vào hệ thần kinh trung ương gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.
PGS.TS. BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cho biết: “Bệnh này được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản nên được gọi là viêm não Nhật Bản. Hiện nay bệnh chiếm khoảng 10 đến 15% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não virus ở nước ta”.
Trẻ em dưới 15 tuổi chưa tiêm phòng là đối tượng dễ mắc viêm não Nhật Bản. |
Virus viêm não Nhật Bản khu trú trong heo và chim, khi muỗi đối vật chủ (Heo, chim …) mang virus sau đó lại đốt người thì sẽ truyền bệnh sang cho người. Virus này tồn tại quanh năm nhưng lây truyền mạnh nhất sang người vào mùa hè do đây là thời điểm muỗi sinh sôi và phát triển mạnh. Ngoài ra, những nước nông nghiệp như Việt Nam thường là chăn nuôi nhiều heo, chim, thuận lợi cho muỗi phát triển và lưu truyền virus viêm não Nhật Bản. Vì vậy Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc bệnh cao.
Năm 2014, số ca mắc viêm não Nhật Bản B đã gia tăng 35% so với cùng kỳ. Đặc biệt tại tỉnh Sơn La thì ổ dịch viêm não Nhật Bản đã xuất hiện ở một vài huyện thị trong thời gian cuối tháng 7, đầu tháng 8/2014.
10-20% bệnh nhân viêm não Nhật Bản tử vong do các biến chứng nặng nề
Trẻ bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản sau 4-8 ngày ủ bệnh sẽ có các triệu chứng giống cảm cúm, biểu hiện: sốt nhẹ, sổ mũi, tiêu chảy, run, nhức đầu, nôn mửa... một số trẻ có thể có rối loạn tâm lý. Trẻ em nhiễm virus thường kém ăn. Trong trường hợp nặng, trẻ có thể bị co giật, động kinh, sốt cao 39-40 độ C.
BS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh: “Virus viêm não Nhật Bản tấn công tới hệ thần kinh trung ương gây sung huyết, phù nề và xuất huyết vi thể ở não. Nó có thể huỷ hoại tế bào thần kinh, thoái hoá tổ chức não, viêm tắc mạch; chủ yếu xảy ra ở vùng chất xám, não giữa và thân não dẫn đến hội chứng não cấp. au 2-3 ngày tới 1 tuần chưa phát hiện ra bệnh, trẻ có thể bị rối loạn ý thức, sốt cao, nôn mửa, cứng gáy, mê sảng, ảo giác, co giật, động kinh, rối loạn nhịp thở, hôn mê, diễn tiến bệnh sẽ ngày càng nặng và có thể dẫn đến tử vong”.
Làm gì để phòng bệnh viêm não Nhật Bản?
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế : “Chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vacxin, trong đó có vacxin ngừa viêm não Nhật Bản, bởi vacxin là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất, hiệu quả nhất. Chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các bệnh dịch, trong đó có viêm não Nhật Bản”.
Tiêm vacxin đúng lịch là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh viêm não Nhật Bản B. |
Ngoài ra, thường xuyên giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy tại hộ gia đình. Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc ra xa nơi ở. Đặc biệt, khi phát hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, cũng như phòng lây nhiễm.
Mời độc giả xem video: Dấu hiệu nhận biết sớm viêm não mô cầu: