“Hôm nay, điều chúng ta lo ngại đã bắt đầu xuất hiện khi trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên”, câu nói của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng là nỗi lo lắng của nhân dân thủ đô và cả nước. Ca bệnh thứ 17 ở Việt Nam cũng là ca phát hiện đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chấm dứt 22 ngày cả nước không ghi nhận bệnh nhân mới.
Tối 6/3, Hà Nội đã có một đêm trắng căng mình phòng dịch, người dân Hà Nội hoang mang, cả nước có một đêm trắng lo lắng. Dù biết rằng: “Chúng ta tuyệt đối không được lơ là chủ quan, nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh không quá hoang mang, lo lắng”.
Điều khiến dư luận lo lắng, trước khi bị phát hiện dương tính với COVID-19, nữ bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung (26 tuổi, trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) đã có một hành trình di chuyển khá dài qua nhiều quốc gia và đã tiếp xúc với nhiều người.
Chốt kiểm soát tại phố Trúc Bạch (Ba Đình) được dựng lên ngay sau khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên cư trú tại khu vực này. Ảnh: Zing. |
Cụ thể, nữ bệnh nhân đã xuất cảnh ngày 15/2, bay sang London, Anh. Sau đó, ngày 18/2 tiếp tục bay sang Milan (tỉnh Lombardy, Italy) du lịch. Ngày 25/2, bệnh nhân sang Paris, Pháp, tiếp xúc với chị gái bị nhiễm Covid-19, sau đó quay trở lại London. Bốn ngày sau, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện ho, nhưng không lại đi khám.
Ngày 1/3, nữ bệnh nhân phát hiện bản thân đau mỏi người, bay trở về Việt Nam trên chuyến VN54 của Vietnam Airlines, ghế 5K, xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng ngày 2/3. Tuy nhiên do bệnh nhân lúc này không sốt, không khai báo tình trạng sức khỏe nên được nhập cảnh. Ngày 5/3, người này sốt liên tục kèm ho, mệt, đi khám bệnh viện Hồng Ngọc tại phố Yên Ninh, quận Ba Đình và được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, huyện Đông Anh.
Tổng số những người đã tiếp xúc các vòng với Nguyễn Hồng Nhung được xác định có đến 201 hành khách (27 khách khoang hạng C), 4 phi công và 12 tiếp viên trên chuyến bay VN54; 8 người tiếp xúc gần tại nhà gồm bố, bác, 5 tạp vụ và một lái xe riêng, được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; 17 y bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc tiếp xúc với bệnh nhân, đang cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới, sức khỏe bình thường.
Điều khiến dư luận vô cùng bức xúc, khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thông tin bản thân bệnh nhân Nhung tự biết có khả năng gây bệnh cho nên chủ động không tiếp xúc với nhiều người nhưng lại không chủ động khai báo với nhà chức trách.
Hành vi không khai báo với cơ quan chức năng khi biết bản thân có khả năng nhiễm bệnh và gây bệnh của Nguyễn Hồng Nhung là một hành vi thiếu ý thức trong bối cảnh cả nước đang căng mình phòng chống dịch bệnh. Do giấu bệnh, nữ bệnh nhân đã khiến không chỉ bản thân bị ảnh hưởng, người thân và những người tiếp xúc bị cách ly mà còn khiến người dân TP Hà Nội lo lắng, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội phải căng mình thức trắng đêm triển khai các phương án ngăn chặn dịch bệnh.
Thực tế, tối ngày 6/3, ngay khi Hà Nội xác nhận Nguyễn Hồng Nhung (26 tuổi, Trúc Bạch, Ba Đình) dương tính với virus Covid-19, nhiều người dân sinh sống gần khu vực cô gái này đã quyết định tạm “di cư”, nhiều người khác kéo đến siêu thị, cửa hàng thực phẩm để mua thực phẩm “tích trữ” ngay trong đêm với tâm trạng vô cùng bất an. Trong khi đó, tối cùng ngày, Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo giao Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội rà soát và chốt chặn từ số nhà 125 đến 139 phường Trúc Bạch. Đồng thời, quyết định cách ly toàn bộ hộ và những cá nhân ở địa chỉ trên và rà soát toàn bộ nguồn gốc xuất xứ những người liên quan để cách ly.
Một sự chủ quan, thiếu ý thức của một người đã khiến cả một cộng đồng bị ảnh hưởng, tạo nguy cơ dịch bùng phát nếu không kịp thời ngăn chặn. Bởi Hà Nội là một trong những thành phố đông dân nhất cả nước. Nếu không kịp thời ngăn chặn, thì mọi việc trở lên vô cùng khó lường. Sự bức xúc của dư luận và người dân Hà Nội cũng là điều dễ hiểu.
Thực tế một nữ bệnh nhân Vĩnh Phúc Nguyễn Thị Dự 23 tuổi ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc đã lây lan cho 6 người tiếp xúc gồm bố, mẹ, em gái, hàng xóm và người họ hàng khiến Sơn Lôi thành điểm dịch, buộc phải cách ly cả xã hơn 10.000 người. Nhưng nếu tình trạng trên lặp lại trong trường hợp của nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Nhung thì có thể số người bị lây nhiễm sẽ cao hơn bởi Nhung tiếp xúc với nhiều người hơn.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và y tế cùng các địa phương, Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh Covid-19 rất tốt khi chủ động vào cuộc với nhiều giải pháp hữu hiệu được triển khai. Những kế hoạch thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua của các bộ, ngành chức năng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đáng giá cao khả năng phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Thậm chí bà Maria van Kerkhove - chuyên gia thuộc Chương trình các vấn đề khẩn cấp về y tế của WHO đã kêu gọi các nước áp dụng mọi biện pháp phòng chống dịch bệnh cơ bản nhưng hiệu quả mà Việt Nam đã triển khai. Các biện pháp đó bao gồm xác định các ca nhiễm virus Corona và liên hệ với những người nhiễm bệnh để tiến hành biện pháp cách ly, cũng như tuyên truyền và huy động người dân cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Do đó, người dân hãy tin vào sự phản ứng nhanh và kiểm soát của Chính phủ, Ban chỉ đạo và các cấp, các ngành với tinh thần “không được lơ là chủ quan, nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh không quá hoang mang, lo lắng”. Nhất là đừng để xảy ra thêm trường hợp như nữ bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung khiến Hà Nội đêm trắng trong lo lắng. Một cá nhân lơ là, chủ quan sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh có khả năng bùng phát mạnh như ở Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) thì khi đó mọi thứ sẽ trở lên vô cùng khó lường.
Ngăn chặn và dập dịch không chỉ có sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban ngành mà điều quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân. “Chống dịch như chống giặc” nếu mọi người cũng nâng cao ý thức, tin tưởng vào các biện pháp của các cơ quan chức năng, chúng ta sẽ tiếp tục thành công trong khống chế dịch bệnh, ngược lại…sẽ vô cùng khó lường, khó kiểm soát.
Có dấu hiệu che dấu, không khai báo để thực hiện cách ly phòng dịch:
Theo thông tin hiện tại, Nguyễn Hồng Nhung có dấu hiệu do từ ngày 29/2, đến ngày 1/3 thêm đau mỏi người, không rõ sốt. Ngàu 2/3 đã về tới Việt Nam nhưng không đi khám, không khai báo cho đến khai các dấu hiệu phát bệnh rõ ràng nổi lên. Như vậy, hành vi nêu trên đã có dấu hiệu che dấu, và tiến hành không khai báo để thực hiện cách ly phòng chống dịch bệnh. Hành vi nêu trên có thể phải chịu TNHS theo điều 240 Bộ luật hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Trường hợp gây ra các hậu quả nặng nề hơn như chết người, chết nhiều người thì mức xử phạt có thể lên tới 12 năm tù. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi của Nguyễn Hồng Nhung đã gây ra tình trạng lo lắng, hỗn loạn của cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng. Không những gây hỗn loạn còn có thể gây ra sự bùng phát dịch trở lại với cấp độ nặng hơn.
Từ hành vi thiếu hiểu biết nêu trên, ngoài những chế tài có thể áp dụng thì đây cũng là bài học cho mọi người dân trên cả nước và Hà Nội nói riêng. Chúng ta cần chung tay, nghiêm túc chấp hành các khuyến cáo của bộ y tế để cùng bảo vệ bản thân và đẩy lùi dịch bệnh dịch bệnh COVID-19 nguy hiểm này.
Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa
Không nên quá hoang mang lo lắng
Trong lúc này, người dân thủ đô Hà Nội nói chung và những người đã từng quen biết, tiếp xúc với Nguyễn Hồng Nhung nói riêng không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang.
Việc tiếp cận nguồn thông tin từ dịch bệnh truyền nhiễm cũng như từ sự việc này cần qua những kênh thông tin chính thống của bộ y tế, của cơ quan báo chí truyền hình trung ương và các báo chính thống. Những thông tin trên mạng xã hội là những thông tin chưa được kiểm chứng, nếu người nào tiếp xúc nhiều với những thông tin độc, tin giả trên mạng xã hội thì rất dễ gây hoang mang, lo lắng không cần thiết.
Từ khi dịch bệnh xảy ra cho đến nay Việt Nam thực hiện rất tốt hoạt động phòng và chống dịch, tất cả những bệnh nhân nhiễm bệnh dịch tại Việt Nam đều được chữa khỏi, đây là lý do để mọi người có thể tin tưởng vào khả năng phòng và chống dịch của Việt Nam.
Người dân nên chủ động tiếp cận những nguồn thông tin chính thống, thực hiện tốt các hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong việc phòng và chống dịch: Hạn chế tiếp xúc đông người, thường xuyên rửa tay, những người có biểu hiện sức khỏe không tốt, ho, ốm thì cần phải đeo khẩu trang thường xuyên và ít tiếp xúc với người khác; Những người từng tiếp xúc với người mang bệnh, tiếp xúc với nguồn bệnh, tác nhân gây bệnh hoặc đi qua vùng dịch thì cần phải thực hiện thủ tục khai báo y tế và cách ly tế theo quy định pháp luật.
Khi mỗi công dân đều nêu cao ý thức trách nhiệm của mình, có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về dịch bệnh này, thực hiện tốt những quy định của pháp luật về phòng và chống dịch, thực kiện kịp thời các khuyến cáo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch bệnh thì chúng ta sẽ hoàn toàn có thể đầy lùi được dịch bệnh này tại Việt Nam.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội