Ghép tạng có thể kéo dài sự sống cho người nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót của mỗi bệnh nhân là khác nhau, tùy thuộc vào từng cá nhân cũng như loại nội tạng được ghép, bà Samantha Nicholls, giám đốc Tổ chức hiến tạng Nam Phi (ODF) cho biết.
Các yếu tố như chế độ ăn uống, lối sống, thuốc men, sự chăm sóc, khả năng tiếp nhận nội tạng mới của cơ thể đóng vai trò lớn với kết quả điều trị và sự sống còn của bệnh nhân ghép tạng, bà Nicholls nói thêm.
Tỷ lệ sống sót của mỗi bệnh nhân ghép tạng là khác nhau, tùy thuộc vào từng cá nhân cũng như loại nội tạng được ghép. |
Các chuyên gia từ lâu tin rằng thay nội tạng không phải là cách chữa bệnh lý tưởng vì bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để hạn chế khả năng cơ thể đào thải tạng ghép. Chính điều này có thể sẽ khiến họ mắc một số bệnh mạn tính.
Theo các nghiên cứu của ODF, tỷ lệ trung bình sống sót của các bệnh nhân ghép nội tạng phổ biến như sau.
Ghép tim
Bệnh nhân ghép tim thường sống thêm hơn 10 năm sau ca cấy ghép tim thành công và tiên lượng tốt. Theo ODF, mặc dù một số bệnh nhân cần thực hiện ca ghép tim lần hai nhưng có đến 70% số ca ghép sẽ sống lâu hơn 5 năm.
Ghép thận
Ghép thận thường được áp dụng cho những bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối, khi các phương pháp lọc máu cho bệnh nhân không còn hiệu quả.
Tỷ lệ sống sau khi ghép thận là rất cao. Khoảng 90% bệnh nhân ghép thận có thể sống lâu hơn 15 năm sau ghi ghép, đặc biệt là khi thận được lấy từ người hiến còn sống, theo lời tiến sĩ Nada Alachkar tại Trung tâm Y tế John Hopkins (Mỹ).
Những bệnh nhân ghép thận khi còn trẻ có thể phải ít nhất 2 lần ghép thận trong suốt cuộc đời của họ. Cũng như tim, hiệu quả của ca cấy ghép thận và tuổi thọ người nhận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chăm sóc sau ca mổ, thuốc, chế độ ăn uống và lối sống.
Ghép phổi
Ghép phổi được xem xét khi bệnh nhân mắc bệnh phổi cấp tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơi thở và sức khỏe. Ghép phổi có nhiều dạng khác nhau như ghép 1 phổi, ghép 2 phổi, ghép cùng lúc tim và 2 phổi, ghép thùy phổi từ người hiến còn sống.
Số liệu từ một số bệnh viện ở Nam Phi cho thấy khoảng 44% bệnh nhân ghép phổi có thể sống được 5 năm. Các chuyên gia cũng cho biết con số này sẽ được cải thiện khi áp dụng công nghệ điều trị mới.
Ghép gan
Ghép gan được thực hiện khi bệnh nhân bị viêm gan vi rút, bệnh gan do uống rượu bia, xơ gan hoặc bị bệnh gan do di truyền. Một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện Nhi đồng Chữ thập đỏ (Nam Phi) cho thấy tỷ lệ sống sót từ 3 tháng đến 12 năm sau khi ghép gan là 72%.