Trước đó, các bác sĩ bệnh viện đã hội chẩn với đồng nghiệp hai bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và Bệnh Nhiệt đới TP HCM nhưng không thể cứu sống bệnh nhân.
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus A, gồm kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase).
Có 15 loại kháng nguyên H, ghi nhận H1 đến H15 và 9 loại kháng nguyên N, ghi nhận N1 đến N9.
Đến nay qua kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang xác định loại kháng nguyên trong ca bệnh này là N1 (virus cúm A H5N1).
Đây là ca đầu tiên tử vong do cúm A H5 tại Việt Nam kể từ đầu năm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Khánh Hòa đang tiếp tục tìm nguồn lây song song với điều tra dịch tễ, khoanh vùng những người tiếp xúc bệnh nhân để tránh lây thành dịch và lan rộng trong cộng đồng.
Cúm gia cầm ở người có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp, nhẹ như sốt và ho, nặng như viêm phổi nghiêm trọng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc, thậm chí tử vong.
Nguồn lây cúm A H5 chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị bệnh.
Rất hiếm khi dịch cúm gia cầm được truyền từ người sang người, trong các trường hợp có sự tiếp xúc đặc biệt gần gũi với người bệnh như mẹ chăm sóc trẻ bị nhiễm bệnh thì virus cúm A H5 mới lây từ người sang người.
Người bị cúm gia cầm thường có các triệu chứng giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn (trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị virus cúm A H5 xâm nhập).
Các triệu chứng thường gặp, như sốt cao đột ngột trên 38 độ C; rét run, đau đầu; đau ngực, khó thở, tim đập nhanh; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm; đau nhức cơ, mệt mỏi rã rời…
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cúm này cho người.