Theo phóng sự của báo South China Morning Post, những người giao dịch cầm các vali đầy tiền giám sát liên tục tại các nhà máy để đảm bảo hàng triệu khẩu trang y tế được sản xuất liên tục. Các đại lý buôn bán máy thở như thể chúng là những thùng than đốt trước khi đến được với người mua cuối cùng với mức giá cao ngất ngưởng.
Các chính phủ chuyển khoản những số tiền lên đến 8 con số cho các loại vật tư thiết yếu nhưng cuối cùng lại chịu thua trước một nước khác "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" hơn.
Thế giới như đang bước vào một cơn sốt vàng cho những thiết bị được săn lùng nhiều nhất trong năm: khẩu trang, găng tay, nhiệt kế, máy thở, giường bệnh, kit xét nghiệm, quần áo bảo hộ, nước rửa tay khô và mắt kính bảo hộ. Và theo những người tham gia vào cuộc đua tranh, không một ai tỏ ra nhân nhượng.
"Đây là Miền Tây hoang dã – các quy tắc được đổi mới mỗi ngày. Số tiền đổ vào ngành công nghiệp này thật đáng kinh ngạc. Hoạt động thẩm tra đôi khi không phải là một lựa chọn, chúng ta không có thời gian trong khi tình hình rất phức tạp" – trích lời ông Fabien Gaussorgues, người đồng sáng lập của Sofeast, một công ty kiểm tra chất lượng ở Thâm Quyến – Trung Quốc. Nhiều người đã học được một bài học khó khăn rằng ở "Miền Tây hoang dã", họ phải hành động thật nhanh.
Một nhà máy sản xuất khẩu trang y tế ở tỉnh Giang Tô - Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Trong đêm hội Thanh Minh ở Trung Quốc vào ngày 4-4 (giờ địa phương), một bang của Mỹ đặt mua máy thở từ một nhà máy ở đại lục. Như thường lệ, người bán yêu cầu chuyển khoản toàn bộ tiền hàng. Vì không biết có một ngày lễ đang diễn ra ở Trung Quốc hoặc vì tốc độ hoạt động quá nhanh của thị trường, tiểu bang trên chuyển khoản tiền hàng vào thứ 6, khi ngân hàng đã đóng cửa. Số tiền được gửi đến vào ngày thứ ba tuần sau nhưng khi đó số máy thở đã thuộc về một người mua khác.
"Nếu đợi hơn 24 giờ hoặc dành một vài ngày cho hoạt động thẩm tra, đến thăm nhà máy hay ít nhất lấy mẫu thử, mặt hàng đó sẽ hết sạch. Nhà môi giới đã chuyển sang nhà cung cấp khác và bạn phải bắt đầu quá trình mua bán lại từ đầu" - ông Ben Kostrzewa, một luật sư thương mại của công ty luật Hogan Lovells, người đang làm việc với nhiều tiểu bang của Mỹ và hệ thống bệnh viện để cung cấp khẩu trang và mặt nạ phòng độc, cho hay.
Tình hình này đã tạo ra thị trường quan trọng nhất của người bán khi càng có nhiều công ty Trung Quốc bắt đầu sản xuất khẩu trang và các thiết bị khác mỗi ngày. Một số nhà máy còn yêu cầu đặt cọc cho cả các chuyến thăm, mẫu thử hay chỉ để xem giấy tờ cấp phép của họ.
Chính quyền quốc gia và địa phương đang lùng sục các nguồn cung cấp thiết bị y tế trên khắp thế giới để chống dịch. Đôi khi họ còn thuê cả cố vấn để được hướng dẫn chỗ mua từ "bất cứ đâu trừ Trung Quốc" vì sự phản đối nhắm vào các thiết bị do Trung Quốc sản xuất và cả những cân nhắc về địa chính trị.
Tuy nhiên, với các nguồn cung thay thế đang hạn chế xuất khẩu các sản phẩm trên như Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam và Thái Lan, Trung Quốc thường trở thành lựa chọn duy nhất nhờ khả năng ngày càng lớn mạnh trong việc sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân.
Những chiếc máy sản xuất khẩu trang được ví như máy in tiền trong giai đoạn này. Ảnh: Medical Xpress |
Theo thống kê của công ty Tian Yan Cha, có hơn 38.000 doanh nghiệp mới đăng ký sản xuất hoặc kinh doanh khẩu trang ở Trung Quốc kể từ đầu năm 2020, tăng mạnh so với con số 8.594 công ty trong cả năm 2019.
Tuy nhiên, sự gia tăng của những công ty mới đã làm giảm chất lượng sản phẩm, khiến Trung Quốc đối mặt với làn sóng phẫn nộ nghiêm trọng từ nước ngoài nên phải siết chặt quy định xuất khẩu. Nó còn tạo ra những con người vô đạo đức tìm cách trục lợi từ dịch bệnh. Đã xảy ra trường hợp người mua đặt mua một đơn hàng khẩu trang có giá lên tới 1 triệu USD nhưng lại nhận về "những chiếc mặt nạ Halloween bẩn thỉu".
Về phần máy thở, giá của một chiếc máy thở hiệu AeonMed do Trung Quốc sản xuất đã tăng từ 10.000 USD lên 75.000 USD/chiếc. Không giống như khẩu trang, máy thở công nghệ cao không thể được sản xuất hàng loạt. Điều này có nghĩa là nhu cầu khổng lồ từ phía các chính phủ và hệ thống bệnh viện cố gắng tăng lượng hàng tồn đã khiến giá cả tăng vọt.
Thêm vào đó, tình trạng thiếu hụt máy bay chở khách, trong đó có 50% mang theo hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, đồng nghĩa với việc chi phí thuê chỗ trên một chiếc máy bay chở hàng cũng tăng cao.
"Nó làm tôi nhớ đến các trận chiến. Bạn có thể lên kế hoạch cho chúng rồi thế giới thực sẽ kiểm soát mọi thứ và sự khéo léo trở thành chìa khóa. Những cách thức làm việc cũ đều không còn" – trích lời ông John Singleton, một cựu phi công của Không quân Mỹ.