Cho đến nay thuật ướp xác của người xưa vẫn còn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học. Bởi nhiều xác ướp cách thời đại ngày nay vài nghìn năm, nhưng khi khai quật, thi thể vẫn còn nguyên vẹn.
Tục ướp xác đã có 6.000 năm trước
Theo cuốn sách "Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư" của PGS.TS Nguyễn Lân Cường thì người Ai Cập đã mò mẫm rất lâu mới tìm thấy công thức tốt nhất về ướp xác. 6.000 năm trước Công nguyên (TCN) người ta đã khoét những cái lỗ ở sa mạc, rồi đặt xác người chết vào để cho cát sấy khô xác chết. Khoảng 3.200 năm TCN họ lại chôn quan tài trong cát. Khoảng 2.650 năm TCN kỹ thuật moi ruột ướp xác mới trở nên rõ ràng và làm theo những quy trình nhất định.
Theo nhà sử học Hy Lạp Herodotus (đến Ai cập vào thế kỷ V TCN) thì người Ai Cập cổ đã dùng obsidian, một loại đá núi lửa có màu đen nhánh và có thể tách ra những mảnh nhỏ sắc bén như dao lam. Họ dùng đá này rạch bụng người chết qua vết cắt chỉ dài 7,6cm để lấy nội tạng ra. Quả tim, bộ phận được người Ai Cập cổ đại xem là linh hồn của người chết, nó được giữ lại trong lồng ngực. Ruột, dạ dày, gan bỏ vào bình chứa. Thân người chết được bao bọc bởi chất carbonat natri để hút nước ở các mô rồi sau đó được lau khô và nhét đầy các hương liệu với mạt cưa. Cuối cùng người ta quấn xác ướp bằng vải lanh hoặc vải quần áo cũ.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường (ngoài cùng bên trái) đang chỉnh lý bộ xương ở Phia Vài (Na Hang, Tuyên Quang). |
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, xác ướp nổi tiếng nhất ở Trung Quốc là thi hài của một người phụ nữ ở Mã Vương Đôi (đời Hán) sống cách ngày nay khoảng 2.000 năm. Người phụ nữ này được được rút hết các nội tạng, thay vào chất lỏng thủy ngân. Bà được quấn thêm 13 lớp vải, sau đó được bỏ vào một cái quan tài chứa chất sát trùng. Chiếc quan tài này lại được bỏ vào chiếc quan tài khác. Tất cả được chôn thẳng đứng trong một cái hố sâu 15m phía trên chèn than gỗ, tro và đất sét mịn để nước không thấm qua. Nhờ vậy, xác không bị thối rữa và vẫn mềm mại.
Xác ướp của Việt Nam trên dưới 300 năm tuổi
PGS.TS Nguyễn Lân Cường hiện được coi là nhà cổ nhân học kỳ cựu nhất của Việt Nam. Ông đã nghiên cứu tới 800 bộ xương người cổ, cùng các đồng nghiệp khai quật nhiều mộ xác ướp hay còn gọi là "mộ trong quan ngoài quách", có niên đại vài trăm năm". Ông Cường kể: "Chiếc mộ tôi khai quật trên Vườn Đào (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) vào tháng 5/2006 là một trong những ngôi mộ tiêu biểu cho thuật ướp xác ở nước ta. Về căn bản họ ướp xác bằng yếm khí kết hợp với tinh dầu tự nhiên. Tôi tuốt toàn bộ quần áo, rồi đem sấy khô, sau đó mới tách từng lớp áo. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi đã thu được một số chiếc áo còn gần như nguyên vẹn".
Di hài của cụ ông khai quật tại vườn đào Nhật Tân. Ảnh: Nguyễn Lân Cường. |
Ông Cường đếm được trên thi thể xác ướp có 23 chiếc áo, 2 chiếc quần. Quần áo được may bằng các chất liệu khác nhau như gấm, lụa, sa tanh, phin. Chiếc áo trong cùng là bé nhất rồi to dần lên. Trong quan tài có hàng chục chiếc gối bông, bọc bằng vải thô chèn trong quan tài.
Xác ướp ở Vườn Đào lần đầu tiên PGS.TS Nguyễn Lân Cường phát hiện được găng tay bằng sa tanh, có đầy đủ cả năm ngón. Đặc biệt, trong quan tài có một túi nhỏ đựng 20 chiếc răng nhuộm đen được cho là của ông lão bị gãy trước lúc mất. Qua hiện vật trên thi thể có thể xác định đây là xác ướp của một cụ ông giàu có.
Ngôi mộ ở Vườn Đào có niên đại thời Hậu Lê cách ngày nay khoảng trên dưới 300 năm. Loại mộ này có nhiều ở miền Bắc Việt Nam.