Nằm trong ngõ 29 Dương Khuê, cạnh khuôn viên trường Đại học Thương Mại, dãy nhà tập thể E1 của trường Đại học Thương Mại bị phản ánh xuống cấp nghiêm trọng từ lâu. |
Trao đổi với Tiền Phong, một số người dân cho biết, khu nhà được xây dựng từ những năm 60 của thế kỉ trước, được bố trí cho cán bộ gặp khó khăn về nhà ở của trường Đại học Thương Mại mượn để sinh sống. |
Do thời gian xây dựng đã lâu nên phần vôi vữa trát tường của khu nhà đã bong tróc và ẩm mốc. |
Hạng mục cầu thang trong khu nhà có nhiều dấu hiệu xuống cấp nguy hiểm. |
Nhiều người sinh sống trong khu nhà cho biết, chỉ bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy phần cốt thép của hai cầu thang trong khu nhà và tường đã hoen gỉ nặng. Thậm chí, chỉ cần tác động nhẹ phần sắt này đã tự động rơi ra. |
"Vì cầu thang ngày càng yếu nên chúng tôi không dám đi nhanh hay mạnh hoặc mang vác đồ nặng khi lên xuống. Nhiều hôm đang đi mà vôi vữa và sắt gỉ còn rơi cả vào đầu", một người thuê phòng trong khu nhà cho biết. |
Do kết cấu xuống cấp và tiềm ẩn nguy hiểm nên một phần cầu thang dẫn lên sân thượng trong khu nhà đã bị người dân dùng gỗ tạm chặn lại. |
Hiện tại chỉ có một lối duy nhất dẫn lên sân thượng của khu nhà. Tại sân thượng, cư dân tận dụng diện tích bằng phẳng để trồng rau. |
Tầng 1 của khu nhà được trưng dụng làm các kiot bán hàng trong khi tầng 2 là nơi nhiều người thuê ở. |
Không gian bên trong khu nhà luôn trong tình trạng thiếu ánh sáng. |
Nhiều khu vực trong khu nhà tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Cư dân sinh sống tại đây cho biết, theo thời gian, các vết nứt của khu nhà xuất hiện ngày càng nhiều. |
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Dịch cho biết, dãy nhà tập thể E1 đã xây dựng từ rất lâu, hiện vẫn thuộc sự quản lý của trường Đại học Thương Mại và chưa bàn giao cho quận và phường quản lý. |
Trong khi đó, chia sẻ với Tiền Phong, đại diện trường Đại học Thương Mại cho biết, bản chất của khu tập thể E1 vốn dĩ là nhà ăn của trường. Sau đó, nhà trường cho các cán bộ, giáo viên mượn để làm nhà ở tạm thời. Do đó, các phòng được cải tạo thành căn hộ. Đến hiện tại, chỉ còn một số ít người được trường đại học Thương Mại cho mượn chỗ ở còn sinh sống trong khu tập thể, còn lại chủ yếu cho thuê lại các căn hộ. Cũng theo đại diện trường Đại học Thương Mại, hiện tại trường chưa có kế hoạch cải tạo lại khu nhà do gặp phải một số khó khăn chủ quan và khách quan. Đồng thời, sau nhiều thập kỷ, việc “đòi” lại khu nhà để cải tạo gặp phải rất nhiều thách thức... Theo Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, năm 2020, toàn thành phố có 1.579 chung cư cũ, hầu hết được xây dựng vào giai đoạn 1960 đến 1992. Nhưng 20 năm qua mới hoàn thành cải tạo khoảng 1,14% trong tổng số hơn 1.500 chung cư cũ, khu tập thể cũ cần được sửa chữa, cải tạo, làm mới. Theo thời gian, do không duy tu bảo trì thường xuyên nên hệ thống hạ tầng đô thị hư hại, khiến nhiều chung cư cũ tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, một số hỏng nặng gây nguy hiểm về an toàn kỹ thuật kết cấu công trình. Qua thống kê, tổng cộng có số 401 chung cư cũ được kiểm định, thì 80 chung cư cũ nguy hiểm thuộc mức độ D (cấp độ nguy hiểm nhất) song thành phố mới triển khai 32 dự án cải tạo chung cư cũ với 18 dự án hoàn thành; trong đó, 2 dự án đã đưa vào sử dụng, 14 dự án đang triển khai. |