Tại bệnh viện địa phương bé được các bác sĩ khám, chụp X-quang nghi ngờ có dị vật ở khí quản nên được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 với chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở.
Ngay trong đêm trực, BSCKII Phú Quốc Việt (Phó trưởng khoa Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1) cùng êkip phẫu thuật và gây mê đã nhanh chóng nội soi đường thở để gắp dị vật.
Nhận định ban đầu của phẫu thuật viên khi nội soi: dị vật là 1 cây kim có 1 đầu nhựa quay xuống dưới, đầu nhọn quay lên trên và đâm vào thành khí quản khoảng 1cm chiều dài. Kim nằm ở khí quản cách cựa khí quản khoảng 4 - 5cm.
Cây kim một đầu nhọn được lấy ra khỏi đường thở của một bé trai 10 tuổi. Ảnh bệnh viện |
Các bác sĩ đã tiến hành nắm đuôi kim đẩy kim xuống dưới để đưa đầu nhọn phía trên ra khỏi niêm mạc khí quản rồi dùng kìm vi phẫu nắm đầu nhọn của kim đưa ra khỏi đường thở. Dị vật là 1 cây kim dài hơn 4 cm với 1 đầu nhựa màu cam.
Sau soi gắp dị vật, đường thở bé ổn, không chảy máu. Hiện tình trạng sức khỏe của bé bình thường, không còn đau, khó thở và ăn uống được.
BSCKI Lý Phạm Hoàng Vinh (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, dị vật nhọn trong đường thở không chỉ làm tắc nghẽn, khó thở cho bệnh nhân mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng như thủng khí phế quản, tràn khí hoặc tổn thương các mạch máu và cơ quan xung quanh, có thể dẫn đến tử vong.
Phụ huynh cần lưu ý các trường hợp trẻ em sặc, hóc dị vật đều là rất nguy hiểm. Do vậy, người nhà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời. Ngoài ra, cần tránh cho trẻ thói quen ngậm đồ vật trong miệng, dễ sặc vào đường thở.
(Nguồn: ANTV)