Hơn mười năm gian nan "tìm” con
Ngày 30/4/1998, ba trẻ thụ tinh ống nghiệm (TTTON) đầu tiên của Việt Nam ra đời. Đây là một trong những thành tựu xuất sắc của nền y học Việt Nam. Còn với gia đình Phạm Tường Lan Thy, một trong 3 em bé, đó là phép màu.
Phạm Tường Lan Thy ngày bé và hiện tại. |
Kể về con gái của mình, anh Phạm Xuân Tài (51 tuổi) cho biết vợ chồng anh rất khó khăn mới có được đứa con. Kết hôn năm 1986 nhưng hai vợ chồng không thể có con. Hơn mười năm không ngừng chạy chữa, vái tứ phương, hạnh phúc vẫn chưa mỉm cười với anh chị.
Tình cờ, anh được gặp bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - khi ấy là giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ - trong hội nghị được tổ chức tại khách sạn nơi anh làm việc. Thời điểm này, kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm lần đầu tiên được bác sĩ Phượng mang về Việt Nam. Gia đình anh Tài may mắn là một trong những cặp vợ chồng đầu tiên được áp dụng phương pháp này.
Anh cho biết, thời điểm đó, hai vợ chồng đã cạn kiệt hy vọng nên cơ hội này giống như một giấc mơ. Dù vậy, phương pháp mới cũng khiến vợ chồng anh mất ăn mất ngủ vì lo lắng.
May mắn, chỉ trong lần cấy phôi đầu tiên, anh chị đã thành công. Sau khi thực hiện các biện pháp để tạo và đặt phôi, hai vợ chồng phải chờ 14 ngày để biết kết quả.
Không may, đến ngày thứ 9, chị có biểu hiện băng huyết, dọa sảy và buộc phải nằm viện gần 4 tháng để các bác sĩ theo dõi, dưỡng thai. Khi tình trạng ổn định, chị mới được về nhà, song cũng không thể làm bất cứ việc gì trong suốt thai kỳ.
Ngày 30/4/1998, sau hơn 9 tháng thai kỳ thấp thỏm lo âu, niềm vui vỡ òa trong anh Tài và gia đình khi chào đón cô con gái ra đời.
Anh đặt tên con là Phạm Tường Lan Thy. Bé nặng 3,2 kg, cơ thể hoàn thiện như bao đứa trẻ được sinh theo phương pháp bình thường khác.
"Lúc đầu, chúng tôi tính đặt tên con là Phạm Tường Lan, là tên ghép của bác sĩ Hồ Mạnh Tường và Vương Thị Ngọc Lan - hai bác sĩ trực tiếp tiến hành TTON cho vợ chồng tôi. Nhưng do tên Lan trùng với tên mẹ vợ nên hai vợ chồng đặt tên cháu là Phạm Tường Lan Thy", anh Tài giải thích.
Suốt 2 năm đầu đời, đều đặn mỗi tháng, vợ chồng anh lại phải đưa con vào viện theo dõi về những biến chứng có thể xảy ra.
“Nhiều người thắc mắc, con gái tôi được thụ tinh ống nghiệm thì liệu có bình giống như những đứa trẻ được sinh theo cách thông thường. Thực tế, cháu phát triển bình thường, cũng khóc, cũng biếng ăn, ho, sốt, sổ mũi...
Duy chỉ có điều đặc biệt là càng lớn, cháu càng mạnh mẽ và năng động bởi con không muốn mọi người xem thường mình”, người cha nhớ lại quãng thời gian 17 năm nuôi con.
"Em khác mọi người nên phải cố gắng gấp nhiều lần"
Nói về sự ra đời đặc biệt của mình, Lan Thy thật thà: “Em vẫn không thể nào tin được phương pháp đó lại thần kỳ đến vậy và chính em là bằng chứng cho sự thần kỳ đó”.
Tuy nhiên, sự ra đời đặc biệt ấy cũng mang lại cho cô bé những bối rối, những tình huống khó xử trong cuộc sống.
Đó là khi câu chuyện về sự "khác người" của Lan Thy trở thành chủ đề bàn tán, hay ánh mắt lạ thường của những người xung quanh khi nhìn em.
Lan Thy cùng ba mẹ ngày bé. |
“Em nhớ đầu năm lớp 11, khi nghe một số chị nói mình là đồ nhân tạo nên không thể tốt bằng đồ tự nhiên. Em đã khóc rất nhiều. Sau đó, em tham gia mọi cuộc thi để khẳng định mình.
Mỗi lần muốn bỏ cuộc hay chán nản, em đều nhớ những câu nói đó để làm động lực”, Lan Thy tâm sự.
Đó cũng chính là lý do dù mới 17 tuổi nhưng Lan Thy đã sở hữu bảng thành tích đáng ngưỡng mộ. Hiện tại, em là học sinh lớp 12B trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) và là thành viên đội văn nghệ trường với sở trường ca hát, chơi được nhiều loại nhạc cụ và sáng tác nhạc.
.... và hiện tại. Ước mơ của Lan Thy là trở thành bác sĩ để giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn sớm có con. |
Thấu hiểu sự nhọc nhằn của bố mẹ và các bác sĩ để có mình ngày hôm nay, Lan Thy mong muốn được trở thành bác sĩ để có thể giúp ích được nhiều hơn nữa cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.