Khối u khổng lồ nặng 5,8 kg trong ổ bụng của bé gái N.T.T.T., 14 tuổi, người huyện Thủ Thừa, Long An, đã xâm lấn vào tụy, lách, dạ dày, gan...
Tưởng bầu, hóa u khổng lồ
Cháu T. đang điều trị tại khoa Ngoại I, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Cô bé cho biết, một buổi sáng thức dậy, cháu thấy đau bụng, nghĩ là do ngủ dậy chưa đi vệ sinh. Sau khi đi vệ sinh, thấy bớt nên cô bé vẫn đi học, tối về thì đau bụng dữ dội nên được mẹ đưa đến phòng mạch để khám. Ai gặp cũng hỏi “mấy tháng rồi, khi nào sinh?”. Mẹ T. khóc khi bác sĩ hỏi rằng: “Mấy tháng rồi, sao giờ mới đưa đến khám?”.
T. kể lại: "Bác sĩ bảo mẹ con vào phòng nói chuyện riêng và gia đình con đón taxi đưa lên Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP HCM luôn trong đêm đó. Đến nơi, bác sĩ trực nói là chưa đủ tuổi nên không nhận mà phải qua Bệnh viện Nhi Đồng. Gia đình định qua Bệnh viện Nhi Đồng nhưng vì kết quả siêu âm là khối u to nên bác sĩ trực khuyên nên đưa qua Bệnh viện Ung Bướu".
Sau khi nhập viện tại khoa Ngoại I, các bác sĩ đã khám, cho làm các xét nghiện và phẫu thuật thành công khối u cho cháu T. Trước khi mổ, họ giải thích rất cặn kẽ với gia đình về tình trạng bệnh lý cũng như các tình huống có thể xảy ra trong mổ và sau mổ, bởi u quá to, làm bụng căng tròn như người có thai lớn.
Ca mổ phức tạp đã thành công. Cháu T. đang được theo dõi hậu phẫu tại khoa Ngoại 1 và sẽ chuyển qua hóa trị sau 10 ngày.
Các bác sĩ đang phẫu thuật lấy khối bướu 5,8 kg cho bệnh nhân T. |
Cảnh giác với u khi trẻ bụng to bất thường
Bác sĩ chuyên khoa II Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận các ca ung bướu nặng, giai đoạn trễ do bệnh nhân đến muộn, hoặc các bệnh viện tuyến dưới sau khi phẫu thuật thấy khối u to quá hoặc phức tạp thì đóng lại và chuyển lên. Có những ca mất máu rất nhiều, phải truyền đến 6 lít máu, dùng cả trăm miếng gạc để thấm máu. Có ca phải huy động cả các khoa khác cùng phẫu thuật vì khối u đã xâm lấn nhiều cơ quan nội tạng. Những ca mổ như vậy thường căng thẳng nhiều giờ, thời gian điều trị lâu hơn và chi phí tốn kém hơn, tỷ lệ di căn và tái phát cũng cao.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng khoa Ngoại I, cho biết, cần cảnh giác với ung thư buồng trứng, căn bệnh có thể gặp từ trẻ nhỏ 9-10 tuổi đến các bà cụ 70-80 tuổi. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong tất cả các ung thư đường sinh dục và thường không có triệu chứng sớm để cảnh báo, nhất là ở các bé gái. Các cháu thường sợ người lớn la mắng khi thấy bụng to lên nên cố che giấu, chỉ khi các triệu trứng rầm rộ, gây đau đớn thì mới cho cha mẹ hay.
BSCK II Nguyễn Văn Tiến đang khám cho bệnh nhi N.T.T.T. |
Bác sĩ Tiến cho biết thêm, mỗi tuần, khoa Ngoại I tiếp nhận khoảng 50-70 ca ung bướu thì 10% là ca nặng và khó. Các bác sĩ phải hội chẩn rất kỹ cùng chuyên gia khoa Gây mê hồi sức, Huyết học... Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư không đơn giản chỉ mổ và lấy khối u ra, mà các bác sĩ phải cắt bỏ cả khối u và những chỗ bị xấm lấn. Đặc biệt, các khối u nằm không ổ bụng rất dễ lan rộng và xâm lấn các cơ quan quan trọng xung quanh, gây nguy hiểm tính mạng. Đôi khi bác sĩ phải cắt bỏ ruột, bàng quang, mở hậu môn nhân tạo hoặc đường niệu ra da vĩnh viễn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống mà bệnh vẫn có thể tái phát hoặc di căn xa.
Trên thực tế, người mắc ung thư phụ khoa nói chung và ung thư buồng trứng nói riêng hay bị chuyển lòng vòng qua nhiều bệnh viện mới đến đúng nơi nên lại càng muộn. Bình thường ở giai đoạn sớm, ca mổ chỉ mất 60 - 90 phút, nhưng những ca giai đoạn trễ thì thời gian mổ kéo dài hơn và cuộc mổ rất khó khăn, rất nguy hiểm.