Ngọc quý ở Việt Nam
Trả lời tạp chí Smithsonian, một người am hiểu về triều đình nhà Nguyễn ví von: "Miến Điện (Myanmar) nổi tiếng về ngọc bích, Thái Lan nổi tiếng về hồng ngọc, và Việt Nam nổi tiếng về ngọc trai. Nhiều người được giao lặn tìm ngọc trai, và tìm những cống phẩm khác, chẳng hạn như ngà voi và gỗ đàn hương. Ngọc trai được coi là cống phẩm bắt buộc thời xưa".
Không chỉ có vậy, Việt Nam còn có nguồn cung cấp ngọc màu cam cực kỳ quý hiếm mà ngay đến các chuyên gia về ngọc trai cũng hiếm khi có cơ hội nhìn tận mắt. Loại ngọc này có tên là ngọc ốc giác (hoặc ngọc melo), chúng không đến từ các con trai mà đến từ một loại ốc quý hiếm có tên là ốc giác. Theo công ty đá quý P&P Gems and Pearls (có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan), ngọc ốc giác phân bố ở vùng Đông Nam Á, tuy nhiên những viên ngọc đẹp và chất lượng nhất hầu như chỉ được tìm thấy ở biển Việt Nam, ví dụ như ở Vịnh Hạ Long.
|
Tới nay, ngọc ốc giác vẫn chưa thể nuôi cấy như ngọc trai phổ thông, nên số lượng ngọc lấy trong ốc ít và hiếm hơn ngọc trai rất nhiều. Bên cạnh đó, ngọc của ốc giác thường có màu đỏ, vàng cam, vàng lợt và trắng. Các đường vân đan xen nhau dưới ánh sáng phù hợp sẽ có hiệu ứng thị giác rất ấn tượng và đẹp mắt.
|
Một viên ngọc ốc giác màu trắng ngả vàng được bán với giá 127.000 USD tại một công ty đá quý Mỹ. |
Tuổi ốc càng lớn, ngọc càng to, vân càng đẹp và đậm màu. Tuy nhiên, nếu không có kĩ thuật bảo quản kỹ, ngọc sẽ xuống màu, mất giá. Độ cứng của ngọc ốc giác không cao, nên rủi ro bị nứt và trầy xước là không nhỏ. Người sở hữu ngọc ốc đều phải giữ gìn cẩn thận hơn so với phần lớn các loại đá quý khác.
Do các vấn đề về môi trường, quần thể ốc giác đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nay, loài vật này đã được bảo vệ bởi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp vì chúng trở nên cực kỳ quý hiếm.
Cơ hội để tìm thấy viên ốc giác quý hiếm từ ốc biển là rất thấp, và cơ hội để thu hoạch được một viên ngọc ốc có kích thước lớn thậm chí còn thấp hơn rất nhiều. Đó là lý do vì sao những viên ngọc ốc giác đẹp với kích thước lớn và chất lượng cao được xếp vào loại đá quý có giá trị đặc biệt.
Chưa kể, để khai thác ngọc ốc giác, cần phải lặn tới các vùng nước sâu dưới đại dương, đôi lúc độ sâu có thể lên tới 70-100m. Những nước Đông Nam Á không có công nghệ để khai thác ốc ở độ sâu như thế. Tuy nhiên, các chuyên gia về ngọc ở Nga và châu Âu lại đánh giá rất cao loại ngọc này.
Ốc giác
Ốc giác sinh sống ở vùng biển Việt Nam và một số vùng biển xung quanh Đông Nam Á. Chúng thường sống ở vùng đất sét dưới đáy biển nhiệt đới, ở độ sâu khoảng 10m.
Trong nhiều thế kỷ, những viên ngọc đẹp nhất đã được tìm thấy ở đảo Phú Quốc. Ngọc ốc giác thường được tượng trưng cho biểu tượng của quyền lực tối cao. Việc thu hoạch và chế tác ngọc cần rất cẩn trọng và thợ trang sức thường ít khi khoan để làm tổn hại viên ngọc.
|
Màu sắc có giá trị nhất của những viên ngọc này là màu cam sáng. Tương tự như ngọc trai ốc Xà cừ, những viên ngọc trai đẹp nhất có bề mặt "vân ánh lửa", nhấp nháy như ánh đuốc, tương tự như hiệu ứng của bề mặt đá cẩm thạch. Kích thước, mức độ bão hòa của màu sắc và độ sâu của "tia lửa" trên viên ngọc phụ thuộc vào tuổi của con ốc.
|
Cấu trúc bề mặt độc đáo khiến ngọc ốc giác là ứng viên nặng kí trong ngành trang sức. |
Để làm một đôi bông tai hay chọn một vài viên ngọc phù hợp cho một bộ trang sức là vô cùng khó khăn. Tạo ra một chiếc vòng ngọc ốc giác sẽ cần phải chọn lựa rất tỉ mỉ từ hàng loạt viên ngọc với kích thước, sắc độ, hình dáng và cả "vân lửa" trên ngọc. Đôi lúc, riêng việc lựa chọn ngọc cũng đã tốn hàng năm trời.
|
Việc tìm các viên ngọc có kích thước tương đương nhau là vô cùng khó khăn. Vì vậy đồ trang sức từ ngọc ốc giác cũng rất đắt đỏ. |
Những viên ngọc trai độc đáo này rất phổ biến trong lịch sử châu Á, nhưng chỉ trong 20 năm trở lại đây mới trở thành món đồ được các nhà sưu tập trên khắp thế giới săn lùng.
Năm 1999, một viên ngọc ốc giác màu cam sáng kích thước 23 x 19 mm đã được bán đấu giá ở Hồng Kông với giá 488.800 USD (khoảng 11 tỉ VNĐ theo tỉ giá hiện tại).
Trong những năm qua, giá của viên ngọc đã tiếp tục tăng tương ứng với nhu cầu về những loại đá quý tự nhiên độc đáo này. Ngày nay, giá trị của đá quý trên mỗi carat ngọc ốc giác cũng không thua kém giá thành của ngọc trai ốc xà cừ - từ 6.000 đến 17.000 đô la mỗi carat tùy thuộc vào chất lượng đồ trang sức.
Cho đến nay, viên ngọc ốc giác lớn nhất được biết đến là viên ngọc nặng 397,52 carat, tương đương với 3/4 kích thước của quả bóng golf.
|
Một viên ngọc có kích thước nhỏ nhưng được bán với giá không hề rẻ. |