Khuôn giếng cổ được phát hiện nằm ở độ sâu khoảng gần 4m dưới hố khai quật của khu vực điện Kính Thiên. |
Sáng 17/4, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên. Hàng nghìn di vật thu được từ hố khai quật bao gồm các loại hình vật liệu kiến trúc, nhóm các loại hình đồ dùng sinh hoạt hàng ngày và nhóm công cụ sản xuất.
Tổng diện tích khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên khoảng 960 m2, sâu gần 4 m. Qua hơn một năm khai quật, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đánh giá diễn biến địa tầng và niên đại các vách có sự thống nhất tương đối từng thời kỳ từ thời Đại La đến nay.
Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, nhóm di vật trong đợt khai quật lần này có đặc điểm đáng chú ý như nhiều mảnh ngói thời Lê Sơ tráng men xanh, men vàng với các mảnh ngói trang trí rồng đi kèm.
Về số lượng, đây là hố đào có nhiều nhất loại di vật gạch, ngói tráng men xanh – vàng với đặc điểm nhiều viên ngói kết nối với nhau tạo thành một con rồng. Đầu ngói cũng được trang trí hình rồng. Vì vậy, có ý kiến gọi đây là loại “ngói rồng”.
“Có lẽ loại ngói này để lợp một di tích kiến trúc đặc biệt nào đó trong Hoàng Cung thời Lê Sơ. Có ý kiến gợi ý đây có thể là loại ngói sử dụng để lợp điện Kính Thiên”, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long cho hay.
Quá trình khai quật, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Lê Sơ, Mạc và Lê Trung hưng. Nhiều mảnh gốm sứ có trang trí hình rồng thuộc thời Lê Sơ và thời Mạc.
Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, những di vật được phạt hiện tại đây là loại tư liệu rất tốt để nghiên cứu tính chất và đời sống Hoàng cung Thăng Long thời Lê.
Phát biểu tại đây, TS Phạm Quốc Quân - thành viên Hội đồng Di sản Việt Nam cho rằng, đợt khai quật năm 2017 khác hẳn mọi năm, nó đặt ra nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu thêm để làm rõ. Theo ông Quân, quá trình khai quật ở Hoàng Thành cần phải thúc đẩy nhanh hơn nữa.
PGS Bùi Minh Trí - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành nhìn nhận những phát hiện quá trình khảo cổ là rất quan trọng, qua đó phân biệt rõ ràng chức năng của hoàng cung.
Theo ông Trí việc tìm thấy khối lượng lớn các loại ngói lợp trên mái cung thời Lê Sơ (thế kỷ 15-16) đợt này có nhiều điểm tương tự với hố đào ở 18 Hoàng Diệu.
Còn theo GS Phan Huy Lê không chỉ đợt khảo cổ lần này, các đợt khảo cổ trước đây đều có các phát hiện mới.
“Quá trình khai quật phát hiện di tích từ Đại La đến thời Nguyễn, chứng tỏ phạm vi của Đại La rất rộng. Nhiều kiến trúc thời Lê, Lê Sơ ở hố khai quật cũng là điểm rất đáng quan tâm”, GS Phan Huy Lê đánh giá.
Về kế hoạch khai quật, theo GS Phan Huy Lê thì chưa cần mở rộng, mà chỉ cần tập trung vào việc phục dựng không gian điện Kính Thiên. Điều GS Phan Huy Lê mong muốn trong thời gian tới các cơ quan chức năng nên tập trung tư liệu phục dựng điện Kính Thiên.