Sau 8 năm cầm quyền, Tổng thống Barack Obama sẽ để lại một di sản đầy tranh cãi ở Trung Đông. Xung đột đang bùng phát Syria, Iraq, Yemen và Libya. Các vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon. Một phong trào nổi dậy nữa đang âm ỉ trong dân chúng ở Bờ Tây bị chiếm đóng, trong khi người Palestine ở Dải Gaza vẫn chưa hồi phục sau chiến dịch ném bom năm 2014 của Israel.
Sau 8 năm cầm quyền, Tổng thống Barack Obama sẽ để lại một di sản đầy tranh cãi ở Trung Đông. Ảnh Family Secutity Matters |
Giáo sư quan hệ quốc tế Stephen Walt của Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard nói với Al Jazeera: "Giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Can thiệp quân sự ở Libya và Yemen đã tạo ra nhà nước thất bại. Có bám lấy đòi hỏi ‘Assad phải ra đi’ và ủng hộ các hình thức can thiệp đã khiến cho cuộc nội chiến Syria trở nên tồi tệ hơn”. Giáo sư Stephen Walt lưu ý thành công duy nhất của hai nhiệm kỳ tổng thống Obama là đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Giáo sư Stephen Walt nói: "Tôi tin rằng (Hillary) Clinton sẽ theo đuổi một chính sách tương tự chính sách của ông Obama, mặc dù bà ấy sẽ cứng rắn hơn trong khâu thực thi. Nguy cơ chính là một cuộc can thiệp hạn chế ở Syria hay ở nơi khác sẽ dần dần vượt quá giới hạn”.
Nhà phân tích Samer Abboud, giáo sư thỉnh giảng về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Arcadia, nói ông Obama nhậm chức tổng thống với ý đồ tái định hình sự can dự của Mỹ ở Trung Đông sau nhiệm kỳ tai hại của Tổng thống George W. Bush. Trong khi tránh đưa lính Mỹ tham chiến trực tiếp, chính quyền Obama đã tiến hành không kích khắp khu vực Trung Đông, trong đó có Iraq và Syria.
Các nhà phân tích cho rằng mặc dù cuộc bầu cử Mỹ ngày 8/11 có thể dẫn đến việc hiệu chỉnh chính sách Trung Đông của Mỹ, thật khó có thể tiên đoán về qui mô và tầm cỡ của sự thay đổi này.
Hai ứng viên tổng thống Hillary Clinton và Donald Trump có quan điểm hoàn toàn trái ngược về Syria. Ảnh Reuters |
Liên quan đến Syria, nơi nội chiến ác liệt đã bước vào năm thứ 6, hai ứng viên tổng thống Hillary Clinton và Donald Trump có quan điểm hoàn toàn trái ngược. Ông Trump đã ngụ ý sẽ đứng về phía chính phủ Syria và Nga để đánh bại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong cuộc tranh luận tháng trước, Donald Trump từng nói: “Tôi không thích (Tổng thống Syria Bashar al-Assad) chút nào, nhưng Assad đang giết ISIS. Nga đang giết ISIS và Iran đang giết ISIS”.
Trong khi đó, Hillary Clinton đã kêu gọi thiết lập “vùng cấm bay” trên bầu trời Syria để có “đòn bẩy” gây áp lực đối với Nga.
Phó giáo sư lịch sử Abdullah Al-Arian của Trường Ngoại giao của Đại học Georgetown ở Qatar nói với Al Jazeera: "Hillary Clinton đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng bà có ý định can thiệp vào các cuộc xung đột khác nhau, không chỉ ở Syria. Cùng thời điểm, Donald Trump đã hùng hồn tuyên bố ý tưởng tiến hành cuộc chiến bất diệt chống khủng bố Hồi giáo cực đoan... Điều này có nghĩa là ông Trump không chùn bước trong việc sử dụng sức mạnh quân sự Mỹ ở khu vực và đây chính là điều mà chúng ta có thể bất hạnh chờ đợi từ cả hai ứng viên tổng thống này”.
Ông Al-Arian lưu ý rằng truyền thống của Mỹ theo đuổi những lợi ích riêng ở khu vực trên lưng dân chúng bản địa ở khắp khu vực Trung Đông sẽ vẫn được tiếp tục, bất kể bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016.