Theo quy định, mỗi năm, 1 tổ chức, doanh nghiệp chỉ được nhận 1 ô tô biếu, tặng từ nước ngoài. Nhiều đối tượng đã tìm cách móc nối với đầu mối nước ngoài làm hồ sơ, nhờ cá nhân, doanh nghiệp trong nước đứng tên nhập xe để hưởng lợi. Đường dây này thậm chí dùng những người nghèo đứng tên công ty để được biếu siêu xe (dù chính họ không biết).
Căn nhà của Phạm Văn Tiến ở Hà Nam được Cty TNHH Truyền thông và Quảng cáo Ecopark đặt địa chỉ đăng ký kinh doanh |
Trong số các địa phương có doanh nghiệp (DN), cá nhân được cấp phép nhập khẩu (NK) ô tô biếu tặng, nhóm PV Tiền Phong rà soát hàng năm trời và phát hiện ra: Nhiều nhất là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam. Đáng chú ý, Cục Hải quan Hà Nam Ninh (quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tại 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình), dù số thu thuế và đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng năm rất thấp, lượng DN cũng lèo tèo nhưng mỗi năm cấp tới gần 200 giấy phép NK xe biếu tặng.
Kỳ lạ nhất, hầu hết các DN được cấp phép đều chung địa chỉ đăng ký kinh doanh. Theo điều tra của Tiền Phong, riêng địa chỉ 10/13 đường Thành Công (phường Tân Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) có khoảng 10 DN đăng ký. Để giải mã những “trụ sở” khó hiểu của các DN NK xe sang, chúng tôi đã tìm về tận địa chỉ trên.
Chị V., chủ căn nhà số 10/13 đường Thành Công cho biết, bản thân là giáo viên mầm non, còn chồng làm công nhân nên gia đình không lập công ty nào để kinh doanh hay NK ô tô. Khi được hỏi vì sao lại xuất hiện hàng chục DN đăng ký trụ sở trong nhà mình, chị V. mới sực nhớ: “Trước đây, có một số người lạ đến thuê đặt biển với giá khoảng vài triệu đồng/năm. Từ cuối năm 2020, họ dỡ biển, rút đi. Không hiểu sao, vẫn còn nhiều DN mới thành lập lấy địa chỉ nhà tôi để đăng ký?”.
Lãnh đạo phường Tân Thành (TP Ninh Bình) cũng khẳng định với Tiền Phong, ở địa bàn không có các công ty như nhà báo đề cập làm ăn hay hoạt động. Những người đại diện đứng tên lập công ty lại càng xa lạ.
Bất ngờ nhất, một số người đại diện DN NK xe sang lại là những cụ già 60-70 tuổi hoặc học sinh mới tốt nghiệp cấp 3, nhà ở tận miền quê nông thôn heo hút.
Đơn cử, ngày 20/9/2021, Cục Hải quan Hà Nam Ninh cấp phép cho Cty TNHH Truyền thông và Quảng cáo Ecopark NK chiếc Mercedes-Benz G63 do Áo sản xuất, đối tác nước ngoài (tên SD-Design) tặng. Địa chỉ công ty được ghi là nhà “ông Phạm Văn Tiến, thôn Hòa Trung, phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên, Hà Nam”. Nhóm PV Tiền Phong phải dò hỏi khắp nơi mới tìm về được thôn này. Khi nghe tin, đại diện thôn khẳng định ở đây chỉ có 1 thanh niên tên Phạm Văn Tiến, sinh năm 2000, con ông Phạm Văn Thoại.
Căn nhà của ông Thoại tuềnh toàng, được dựng phần lớn bằng tôn, nằm xa tít ngoài cánh đồng, được vây quanh bởi ao cá; tiếng vịt kêu khắp nơi. Khi được nghe về việc có công ty lấy địa chỉ nhà để NK ô tô, cả gia đình ông Thoại đều bày tỏ sự ngạc nhiên vì cậu con trai mới tốt nghiệp cấp 3, đang học tiếng Nhật để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động.
“Gia đình thuộc hộ nghèo của phường, tiền ăn không đủ, xe máy chưa mua nổi, lấy đâu mà mở công ty NK ô tô. Ai cho tặng xe cơ chứ”, ông Thoại thảng thốt.
Sau một hồi vỗ trán, con trai ông Thoại phán đoán, trước đây từng đưa chứng minh thư cho một chủ cửa hàng để đăng ký chính chủ sim điện thoại. Có thể, thông tin cá nhân bị rò rỉ từ đó.
Nhiều địa chỉ ở Hà Nam, Ninh Bình được loạt DN thuê đặt biển rồi lặn mất tăm |
Bằng những nguồn tin riêng, nhóm phóng viên đã thu thập được những tờ giấy phép NK xe ô tô. Dù nhiều cá nhân không có địa chỉ cụ thể vẫn được phía hải quan cấp phép.
Chẳng hạn, ngày 26/7/2021, ông Phạm Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh ký giấy phép cho Cty TNHH Dịch vụ và Thương mại BKH Việt Nam (số 2 phố Dã Tượng, phường Trần Hưng Đạo, TP Phủ Lý, Hà Nam) NK chiếc Lexus LX570, sản xuất tại Nhật Bản. Một ngày sau đó, vị này tiếp tục cấp phép cho Cty TNHH Giang Thành Phúc (cùng địa chỉ với Cty TNHH Dịch vụ và Thương mại BKH Việt Nam) NK chiếc Lexus LX570…
Khi chúng tôi tìm về địa chỉ đăng ký, anh D.- chủ căn nhà số 2 phố Dã Tượng khẳng định, không công ty nào hoạt động ở đây. Theo anh D., cách đây mấy tháng, có 2 người từ nơi khác đến thuê đặt biển lập công ty rồi biệt tăm. Thậm chí, giờ nhà anh này liên lạc để đòi tiền thuê không được. Những tấm biển ghi tên 2 công ty trên bị vứt nằm trong xó góc của quán tạp hóa bên cạnh.
Tại Đà Nẵng, trong năm 2020 và 2021, Cục Hải quan TP Đà Nẵng đã cấp giấy phép cho hơn 350 xe NK theo diện biếu tặng. Đáng chú ý, theo xác minh của chúng tôi, các DN (có cùng địa chỉ) được NK xe sang diện quà biếu, tặng tại Đà Nẵng trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có vốn điều lệ rất thấp. Nhiều doanh nghiệp vốn điều lệ chỉ vài trăm triệu đồng nhưng đều được tặng xe Lexus LX570 (giá khoảng 8-9 tỷ đồng).
Ngạc nhiên hơn, khi phóng viên chọn ngẫu nhiên gần 20 xe ô tô biếu tặng của các công ty có cùng địa chỉ tại Đà Nẵng (được cục Hải quan thành phố này cấp phép) đi tra cứu; Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Đà Nẵng) rà soát, cho kết quả: “Hoàn toàn không có xe ô tô nào đăng ký tại Đà Nẵng”.
Dù cấp phép NK xe biếu tặng nhiều nhất nhì cả nước, nhưng trả lời Tiền Phong, Cục trưởng Hải quan Hà Nam Ninh Phạm Hồng Thanh cho biết, mỗi năm (đơn vị) hầu như không thu được đồng thuế nào từ mặt hàng này. Bởi như vị này nói, có hồ sơ “hợp lệ” sẽ được cấp, còn DN mở tờ khai và NK qua 1 trong 6 cửa khẩu cảng biển theo quy định, nộp thuế tại đó (Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghi Sơn, Quảng Ninh, Cái Mép). “Ở đây, bản chất họ lách luật, có dấu hiệu trục lợi từ chính sách, để phục vụ đại gia ở các thành phố lớn, chứ Ninh Bình đến nay chỉ có tầm 100 xe sang”, ông Phạm Hồng Thanh nói.