Tàu tuần duyên Nhật quần nhau với Hải giám Trung Quốc trong vùng biển Senkaku/Điếu Ngư. |
Đây là tuyên bố với đài Tiếng nói nước Nga của ông Valery Kistanov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông. Vị chuyên gia nhận này xét về kết quả thăm dò dư luận do Trung Quốc nhật báo và tổ chức Genron của Nhật Bản.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 93% người dân Nhật Bản phản đối Trung Quốc, trong khi khoảng hơn 90% dân số Trung Quốc ghét người Nhật. Các cuộc điều tra được tiến hành hàng năm trong 9 năm liên tiếp. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên mối thù địch lẫn nhau của dân cư hai nước được ghi nhận.
Chuyên gia Valery Kistanov nhận định: “Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến khiến cho cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều phải sửng sốt. Điều này chứng tỏ sự thiếu tin cậy lẫn nhau ở mức độ rất cao, nếu không nói là thù địch lẫn nhau. Những cảm xúc tiêu cực đang phát triển trên cơ sở có đi có lại. Đương nhiên, tất cả điều này là hậu quả của một số nguyên nhân lịch sử, chính trị, quân sự, tuyên truyền, hiện nay đang làm cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản càng thêm phức tạp”.
Theo khảo sát, ngòi nổ cho lòng thù hận lẫn nhau ngày càng sâu sắc là vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Trong năm qua, số lượng người Trung Quốc không hài lòng với tình hình xung quanh quần đảo này từ 40% đã tăng gấp đôi, đến 80%. Hơn 1/3 người Trung Quốc cho rằng trong tương lai, giữa hai nước sẽ có xung đột vũ trang. Trong khi đó, một nửa dân số Nhật bản không ủng hộ giả thuyết này. Có lẽ vì họ sợ nguy cơ thất bại trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc mà các phương tiện truyền thông Nhật Bản hàng ngày đe dọa. Tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước láng giềng xung quanh những hòn đảo không người đã phát triển thành vấn đề địa chính trị giữa các nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới - hai "con hổ" lớn nhất châu Á.
Ông Valery Kistanov nói tiếp: “Cuộc tranh chấp đang nóng lên. Lý do là mỗi bên đều có xu hướng muốn sở hữu tài nguyên dầu khí tại vùng này. Ngoài ra, khu vực rất giàu hải sản. Bên cạnh đó, những hòn đảo này cho phép kiểm soát các tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trong Biển Hoa Đông và toàn bộ khu vực Đông Á. Và từ quan điểm quân sự chiến lược, quần đảo rất quan trọng đối với quốc phòng của Trung Quốc và Nhật Bản”.
Hóa ra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thậm chí trở thành nhân tố gây khó chịu cho người Trung Quốc hơn cả ký ức tiêu cực về cuộc chiến tranh Trung-Nhật giai đoạn 1937-1945. Theo khảo sát, thái độ của người dân Trung Quốc và Nhật Bản thậm chí còn tồi tệ hơn so với năm 2005, khi cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi nhiều lần đến thăm đền Yasukuni - biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.
Chuyên gia Valery Kistanov cho biết: “Sau khi Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, tình hình không hề được cải thiện. Ngược lại, mức độ lời qua tiếng lại, buộc tội và chỉ trích lẫn nhau tiếp tục tăng lên. Hoàn toàn không có triển vọng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật.”
Cuộc khảo sát xã hội học có hơn 4.000 người ở cả hai nước tham gia. Tuy nhiên, bất chấp vấn đề thù địch lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hơn 70% số người được hỏi coi việc cải thiện quan hệ song phương là rất quan trọng. Rõ ràng, đây là điều cần thiết cho việc thiết lập chính sách xã hội của Trung Quốc và Nhật Bản trong giai đoạn sắp tới.