Bài viết thể hiện quan điểm của biên tập viên Vlad Savov, The Verge.
Khi Google công bố những cử chỉ điều khiển trên Android Q, tôi không khỏi cảm thấy quen bởi tôi đã dùng những chỉ đó trên phiên bản EMUI của Huawei. Sau đó Google tiết lộ bức ảnh mặt sau của mẫu Pixel 4, và tôi lại một lần nữa nhớ tới sản phẩm của Huawei. Lần này là chiếc Mate 20 Pro ra mắt vào năm ngoái với cùng kiểu dáng camera vuông.
Kết hợp 2 chi tiết này, tôi không khỏi cảm thấy những gì Google công bố vào năm 2019 thực chất đã được Huawei giới thiệu từ năm ngoái. Tôi nói vậy không phải để chê Google, mà để nhìn nhận và khen ngợi sự tiến bộ của Huawei.
|
Không để người dùng phải tò mò, Google đã tự đăng tải hình ảnh mặt lưng của Pixel 4. Ảnh: Google. |
Công ty smartphone lớn nhất Trung Quốc không phải lúc nào cũng đúng. Họ còn đang gặp khó khăn thời gian qua, nhưng họ là một trong những hãng công nghệ đổi mới nhiều nhất.
Với Mate 20 Pro, Huawei đã chấp nhận nhiều rủi ro. Họ đặt cược vào việc người dùng chấp nhận cụm camera lớn ở mặt lưng, và thực sự phần lớn người dùng coi đó là một chi tiết phá cách hơn là xấu xí.
Họ cũng tích hợp Kirin 980, con chip 7 nm rất thành công trên các thiết bị Huawei và Honor sau đó, cạnh tranh được về sức mạnh với những con chip mới của Qualcomm năm 2019.
Ngoài ra, Mate 20 Pro cũng được tích hợp nhiều tính năng mới như cảm biến vân tay dưới màn hình, màn hình cong viền và tính năng mở khóa khuôn mặt tốt tương đương Face ID.
|
hao tác cử chỉ trên Android Q đã được Huawei tích hợp lên EMUI từ năm 2018. Ảnh: Android Central. |
Sau khi loại bỏ nút home cứng, Huawei đã thay đổi giao diện của EMUI để thân thiện hơn với các cử chỉ. Trên Mate 20 Pro, bên cạnh thao tác vuốt lên từ viền dưới màn để về màn hình chính hoặc đa nhiệm, Huawei cũng cho phép vuốt từ cả 2 viền cạnh để quay lại.
Sau khi đánh giá xong chiếc điện thoại này, tôi thường vô thức lặp lại thao tác đố trên những smartphone Android khác. Đó không hẳn là một cử chỉ dễ nắm bắt, nhưng khi quen rồi lại rất tự nhiên.
Có tới 3 tính năng Google định giới thiệu trên Pixel 4 đã xuất hiện trên Mate 20 Pro: Android Q cũng dùng thao tác quay lại tương tự, cụm camera vuông với nhiều cảm biến, và có thể là cả cụm cảm biến khuôn mặt nữa.
Tất nhiên, Huawei không phải là hãng sáng tạo ra những tính năng đó. Thậm chí, họ còn có lịch sử nhiều năm liền sao chép tính năng từ hãng khác. Cũng có thể Huawei đã biết tới những cử chỉ của Android Q hoặc cụm camera vuông trên iPhone 2019 từ trước, nên họ mới quyết định đưa các tính năng này lên Mate 20 Pro.
Điều đáng nói là Huawei đã chấp nhận mạo hiểm để tích hợp những công nghệ mà chưa ai làm. Cả Google và Apple đều sử dụng cụm camera vuông trên smartphone sắp tới. Họ hiểu rõ xu hướng của người dùng là gì bằng cách phân tích số liệu. Các cử chỉ trên Android Q cũng vậy, Google có thể coi EMUI của Huawei là một bản thử nghiệm với rất nhiều người đã dùng.
Tôi nghĩ một sự hợp tác kiểu Mate 20 Pro do Google sản xuất sẽ rất thú vị. Mate 20 Pro vốn là chiếc điện thoại rất tốt, và tôi tin tưởng Google còn giúp nó tốt hơn. Huawei chấp nhận rủi ro khi tích hợp công nghệ mới, còn Google thì không mạo hiểm như vậy.
Google có vẻ rất quyết tâm khi công bố Pixel 4 với khẩu hiệu “hãy chờ tới khi bạn thấy những gì nó làm được”. Họ tự tin đến mức tự làm rò rỉ và khiến người dùng háo hức về hiệu năng của máy. Tôi tin rằng họ sẽ ngừng việc trang bị những cấu hình thất vọng kiểu 4 GB RAM cho một chiếc điện thoại năm 2018, và thêm một lần khẳng định smartphone của họ có camera tốt nhất.
Là người yêu thích chiếc Huawei Mate 20 Pro, tôi rất háo hức chờ đợi Google sẽ làm tốt hơn như thế nào với cùng những công thức như chiếc Huawei Mate 20 Pro.