Các nhân chứng kể lại rằng, ngày 26/9, các chiến binh thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo (IS) đang đẩy mạnh thế lực để siết vòng vây đối với thị trấn Kobani, đẩy lùi lực lượng người Kurd trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Thế trận này kéo theo những đợt bắn phá ác liệt ở khu vực biên giới.
Các phần tử nổi dậy Hồi giáo dòng Sunni, nhóm đã phát động cuộc tấn công ở Kobani cách đây hơn 1 tuần, đang bao vây thị trấn này từ 3 phía. Họ còn nắm quyền kiểm soát vùng đất cao phía tây thị trấn và một ngôi làng ở phía đông sau các cuộc giao tranh dữ dội.
Người dân tháo chạy trước nỗi lo sợ về Nhà nước Hồi giáo (IS). |
Hơn 140.000 người Kurd đã chạy trốn khỏi Kobani và các ngôi làng lân cận kể từ ngày 19/9 bằng cách vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cho hay, toàn bộ 400.000 người dân thị trấn có thể đã bỏ trốn.
Như vậy, IS đã không ngừng đẩy mạnh các cuộc tấn công bất chấp các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào hang ổ của tổ chức phiến quân này ở cả Syria và Iraq trong một liên minh mà giờ thu hút được sự ủng hộ rộng rãi ở các nước châu Âu.
Trong một diễn biến mới nhất, Vương quốc Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong các cuộc chiến tranh của thập kỷ trước, đã tham gia vào liên minh chống IS sau nhiều tuần cân nhắc các lựa chọn. Theo đó, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu phê chuẩn đề xuất của Thủ tướng David Cameron trong việc tham gia các cuộc không kích chống IS với tỷ lệ ủng hộ 542-43.
Cùng với đó, Quốc hội Bỉ cũng bỏ phiếu phê chuẩn các vụ không kích vào hang ổ IS với tỷ lệ áp đảo 114-2. Đan Mạch cho biết, họ sẽ gửi các máy bay chiến đấu để tham gia các cuộc không kích này.
Cho tới tuần này, Pháp là quốc gia phương Tây duy nhất hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Obama trong việc tham gia chiến dịch chống IS. Kể từ ngày 21/9, Australia và Hà Lan cũng đã tham gia vào cuộc chiến này. Vào ngày 26/9, Đức bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với cuộc chiến này. Tuy nhiên, Berlin để ngỏ khả năng triển khai máy bay chiến đấu của họ tham gia các cuộc không kích.