Nỗi ám ảnh của vụ hỏa hoạn tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy (Hà Nội) khiến 13 người tử vong hồi cuối năm 2016 vẫn âm ỉ, thì mới đây ngày 29-7 tiếp tục xảy ra vụ cháy tại xưởng sản xuất kẹo thuộc địa bàn huyện Hoài Đức. Đáng trách là những nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy làm nhiều người tử vong vẫn xuất phát từ nguyên nhân cũ rích - hàn xì.
Hiện trường vụ cháy karaoke 68 Trần Thái Tông và vụ cháy ở Hoài Đức. |
Vô tư hàn mà không che chắn
Trở lại diễn biến vụ cháy lúc 10h30 ngày 29/7 tại xưởng sản xuất bánh kẹo ở địa bàn thôn Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, làm 8 người chết, 2 người bị thương. Ngay chiều cùng ngày, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân của vụ cháy là do xưởng đang sửa chữa, thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp và gây cháy.
Ngày 30/7, Cơ quan CSĐT- CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án và ngày 31-7, người thợ hàn xì Kiều Tiến Vinh đã bị tạm giữ hình sự. CQĐT cũng đã triệu tập chủ cơ sở bánh kẹo đến làm việc. Theo khai nhận ban đầu, Kiều Tiến Vinh được thuê đến sửa chữa lại một số hạng mục tại xưởng bánh kẹo. Khi thực hiện sửa chữa, phía bên trong vẫn có nhiều công nhân thuộc xưởng làm việc bình thường. Bản thân Vinh không học nghề hàn xì ở trường lớp, trung tâm nào mà chủ yếu… làm nhiều thành quen; nên khi thực hiện hàn xì, sửa chữa tại xưởng bánh kẹo, Vinh cứ thấy chỗ nào cần hàn là đưa mỏ hàn vào chấm chứ không thực hiện che chắn, an toàn phòng cháy.
Không chỉ ở trường hợp của Vinh, mà thông thường quá trình thao tác của các thợ hàn xì không có ai giám sát, không có phương tiện chữa cháy xách tay để phòng ngừa sự cố. Nguy hiểm hơn, vật dụng, nhất là vải, xốp khi bị những mối hàn hoặc tia lửa hàn bắt vào chỉ cháy âm ỉ, khi thợ hàn chuyển máy chỗ khác lửa mới bùng phát thì đã quá muộn.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết, khi hàn hoặc cắt kim loại, nhiệt độ ở tâm ngọn lửa có thể đạt đến 3.000 độ C; nhiệt độ mối hàn cũng đạt khoảng 1.700-1.800 độ C. Quá trình hàn cắt kim loại sẽ làm phát sinh các hạt kim loại nóng cháy li ti có nhiệt độ lên đến hơn 1.000 độ C bắn ra môi trường xung quanh. Do đó, các hạt kim loại này khi tiếp xúc với các vật liệu dễ bắt lửa như vải, giấy, trần nhà bằng mút, vách gỗ sẽ dễ bén lửa và gây cháy hoặc cháy âm ỉ. Nhiều trường hợp, thợ cắt sắt mài các thiết bị do ma sát làm nóng nhưng làm xong lại không dội nước vào rồi sơ ý đánh rơi giẻ lau vào, lập tức biến thành mồi lửa và cháy lớn khi gặp gió.
Phải giám sát thợ hàn xì
Về quy định an toàn PCCC, đối với mỗi thợ hàn xì làm việc hàn cắt, người đứng đầu cơ sở phải giám sát hoạt động hoặc cử người giám sát chặt chẽ. Đồng thời, cơ sở phải trang bị phương tiện PCCC trước khi hàn, như để nước và giẻ ướt tại các điểm cách mối hàn 30cm; phải trải khăn hoặc giẻ ướt phía dưới nơi hàn, quanh khu vực hàn tạo vách ngăn cách ngăn chặn không cho tia lửa bắn ra ngoài, gây nguy hiểm. Quy định đã cụ thể, thế nhưng đa số các trường hợp để xảy ra hỏa hoạn đều không thực hiện nghiêm túc.
Phân tích về những hậu quả xảy cháy nguyên do từ thợ hàn xì, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2, thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho hay: “Phần lớn cơ sở hàn cắt kim loại hiện nay ở quy mô nhỏ, lẻ. Thợ hàn chủ yếu là tự truyền nghề cho nhau nên không có kỹ năng về hàn, lại càng không có kỹ năng, kiến thức về an toàn phòng cháy chữa cháy. Do đó, họ cũng không ý thức được đặc tính nguy hiểm cháy nổ của hàn cắt kim loại, không có biện pháp phòng ngừa sự cố nên đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Theo thống kê từ Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, đã xảy ra 14 vụ sự cố cháy, nguyên nhân do hàn cắt, hàn xì. Ngay sau khi xảy ra vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng ở Hoài Đức, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội tập trung kiểm tra các cơ sở, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hàn cắt kim loại; các công trình thi công trong xây dựng; cơ quan tổ chức hộ gia đình đang diễn ra hoạt động hàn cắt.
An toàn PCCC khi hàn cắt
Đại diện Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội khuyến cáo: Đối với thợ hàn phải thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy sau:
- Chuẩn bị đầy đủ trang bị bảo hộ cá nhân giày, găng tay, kính hàn.
- Sắp xếp nơi làm việc gọn gàng, kiểm tra tình trạng nước, cát, bình chữa cháy trang bị cho khu vực hàn.
- Chuẩn bị chậu nước để làm nguội mỏ hàn.
- Kiểm tra các chỗ nối ống cao su với mỏ hàn và bộ giảm áp (dùng nước xà phòng), tình trạng mỏ hàn, bộ giảm áp và ống dẫn khí, độ lưu thông của miệng phun mỏ hàn, độ lưu thông của ống dẫn cao su từ bình ôxy đến mỏ hàn và từ bình khí axêtylen đến mỏ hàn.
- Khi hàn cắt trong thể tích kín phải đốt mỏ hàn từ ngoài mang vào.
- Hàn cắt trong những gian nhà có sàn gỗ, vật liệu dễ cháy phải dùng tấm tôn hay tấm amiăng che phủ bề mặt chống cháy lan.
- Hàn cắt trên cao (từ 1,5 m trở lên) cần chú ý có thể gây cháy ở phía dưới.