Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu, hoặc không triển khai gói bảo hiểm COVID-19 hay liên quan đến bệnh COVID-19. Quyết định này của Thủ tướng được đưa ra trên cơ sở đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Đáng nói, trước đó, Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm đã nhiều lần gửi công văn đến các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm “nhắc” tránh gây hiểu lầm khi giới thiệu quyền lợi bảo hiểm COVID-19 nhưng vẫn bị phớt lờ?
Cụ thể, ngày 3/3, ông Ngô Việt Trung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm ban hành công văn số 73/QLBH-NT trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp Bảo hiểm về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với lĩnh vực bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm lưu ý các doanh nghiệp bảo hiểm một số nội dung.
Theo đó, quy định tại Điều 48 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A, trong đó có bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, được khám và điều trị miễn phí. Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm lưu ý trong công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn rõ ràng về các chính sách, quyền lợi bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh người tham gia bảo hiểm được tăng cường; tránh trường hợp hiểu lầm với các quyền lợi đã được Nhà nước đảm bảo theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm…
Tiếp đó, ngày 24/3, ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm - cũng đã có công văn số 128/QLBH-PNT gửi đến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ về việc triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe.
Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm viện dẫn quy định tại Khoản 3, Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ: "Các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai".
Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ chủ động rà soát, chấn chỉnh trong toàn hệ thống việc triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đảm bảo quy định pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không tuân thủ quy định pháp luật, Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm sẽ xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Sản phẩm “Anti - COVID” mùa dịch bệnh của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) tung ra thị trường trước đó. |
Mặc dù đã có cảnh báo và chỉ đạo quyết liệt từ Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm, nhưng tại thời điểm đó, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm vẫn liên kết với nhiều ngân hàng thương mại rầm rộ chào bán sản phẩm bảo hiểm mùa COVID-19 cho khách hàng.
Điển hình là ngân hàng Sacombank, VP Bank, LienVietPostBank liên kết với Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) bán sản phẩm Anti - COVID, với các mức phí để khách hàng lựa chọn gồm: 30,60,90 nghìn đồng/người/3 tháng; 60,120,180 nghìn đồng/người/6 tháng; 100,200,300 nghìn đồng/người/1 năm.
Theo thông báo của PTI trước đó, doanh nghiệp này sẽ chi trả trợ cấp tiền mặt lên đến 15 triệu đồng cho khách hàng ngay khi bị nhiễm COVID-19. Nếu khách hàng không may có tử vong do COVID-19, thì gói bảo hiểm Anti-COVID của PTI sẽ trợ cấp lên đến 150 triệu đồng. Chương trình bảo hiểm áp dụng đối tượng từ 15 ngày tuổi đến hết 70 tuổi. Bảo hiểm sẽ có hiệu lực ngay lập tức sau khi khách hàng hoàn tất việc mua sản phẩm.
Sacombank là một trong số các ngân hàng liên kết bán sản phẩm "Anti -COVID" với PTI. |
Hóa đơn của một khách hàng mua gói Anti- COVID của PTI được nhân viên phòng giao dịch Sacombank Bà Triệu (Hà Nội) thanh toán. |
Do tính chất phức tạp của dịch bệnh COVID-19, trong khi chi phí bảo hiểm được hấp dẫn với mức giá không quá cao nên nhiều người dân đã ồ ạt kéo nhau đi mua các gói Anti- COVID cho bản thân và gia đình. Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi: Bảo hiểm PTI kết hợp Sacombank, VPBank, LienVietPostBank bán gói Anti- COVID có vi phạm luật?
Về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định tại Điều 48 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A, trong đó có bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, được khám và điều trị miễn phí. Tại Khoản 3, Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ: "Các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai".
Khoản 8, Điều 1, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: "Triển khai… sản phẩm bảo hiểm bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn".
Vị luật sư cũng cho rằng, đối với các gói bảo hiểm đã bán ra, cần phải xác định trong hợp đồng mua bán bảo hiểm, các quyền lợi và nghĩa vụ của bên bán có vi phạm các quy định của pháp luật hay không? Hoặc các quyền lợi khi tư vấn cho khách hàng có vi quy định nào hay không? Trường hợp có vi phạm, trái với các quy định của pháp luật hoặc có thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng mua bảo hiểm và được hoàn tiền thì khi hủy các gói bảo hiểm này sẽ được hoàn tiền.
Trả lời báo chí, đại diện Bảo hiểm PTI cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 31/3/2020, PTI đã dừng cung cấp gói sản phẩm bảo hiểm Anti - COVID cho khách hàng trên toàn quốc.
“Đối với những khách hàng đã tham gia gói bảo hiểm Anti - COVID, PTI cam kết sẽ vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã được quy định trong hợp đồng bảo hiểm”, vị đại diện cho biết.