Báo Deutsche Wirtschafts Nachrichten (DWN) đưa tin, Lầu Năm Góc đã soạn thảo nhiều kế hoạch và nhiều phương thức tác chiến khác nhau để có thể ứng phó với khả năng “gây hấn” tiềm tàng của Nga.
Và lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Lầu Năm Góc cân nhắc về kế hoạch ứng phó trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng với Nga ở các quốc gia vùng Baltic.
Các binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận BALTOPS 2015 tại Ba Lan ngày 17/6. |
Kế hoạch phòng thủ mới của Mỹ tập trung vào cái gọi là chiến tranh hỗn hợp - sử dụng lực lượng không chính quy, gây bất ổn mục tiêu bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình lớn và tấn công mạng nhằm vào những cơ sở hạ tầng quan trọng.
“Sự can thiệp của Nga ở miền đông Ukraine hối thúc Mỹ đưa ra những kế hoạch khẩn cấp”, DWN dẫn lời chuyên gia Mỹ Michele Flournoy.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát, NATO đã thực hiện nhiều cuộc tập trận ở vùng Baltic, chuẩn bị cho tình huống xung đột có thể xảy ra.
Như CNN đã đưa tin, Mỹ đã thông báo kế hoạch triển khai thêm xe tăng và pháo binh ở các quốc gia vùng Baltic. Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, NATO cũng viện trợ một lượng lớn trang thiết bị quân sự hạng nặng tới miền đông nước này.
Lầu Năm Góc đã gửi một tín hiệu rõ ràng đến Nga. Nhà chiến lược quân sự Mỹ David Ochmanek tin rằng, NATO sẽ có thể kiềm chế Nga nếu cuộc xung đột quân sự ở vùng Baltic xảy ra.
“Tôi chắc rằng, NATO sẽ thắng thế và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên. Nhưng việc này có thể sẽ không dễ dàng hay không gặp rủi ro nào”, Ochmanek nhận định.