Trong các băng nhóm người chưa thành niên phạm tội đã phản ánh trước đó, đa phần khi tiếp xúc các em đều có cha mẹ ly hôn hoặc thiếu sự chăm sóc của gia đình.
Các em tụ tập, lập băng nhóm tham gia vào các vụ cướp giật, đến khi công an bắt giữ gia đình mới hay…
Chưa đủ 16 đã vằn vện hình xăm
Giữa năm 2017, Công an quận Tân Phú, TP.HCM bắt giữ nhóm 12 thanh thiếu niên (từ 15 đến 19 tuổi) tham gia vào vụ đánh người cướp điện thoại, xe máy trên đường Tân Hương, phường Tân Quý, trong đó K. và H. chưa đủ 17 tuổi…
Trong căn nhà nhỏ ở con hẻm trên đường Đỗ Thừa Lương (phường Tân Quý), bà ngoại của Kh. cho hay: “Cháu nó mê chơi, có lúc ở lại luôn tại quán net… Bố mẹ nó ly dị, ảnh hưởng đến tính cách của nó. Tui thương nó nhưng không khuyên bảo được…” - bà buồn bã chỉ vào cậu thiếu niên mình trần, tay xăm vằn vện đang nằm ngủ trong nhà, nói: “Kh. đó”.
Tôi nói to mục đích đến thăm, mong nghe được những suy nghĩ của em nhưng Kh. làu bàu khó chịu rồi lớn tiếng chửi tục khi chúng tôi trò chuyện về em: “Đm, tao đánh thì ráng chịu nhé!”.
Gia đình đưa chúng tôi ra ngoài để trò chuyện nhưng tiếng chửi vọng kèm dọa nạt vang theo chúng tôi.
Người mẹ kể: Hai vợ chồng chị ly dị khi Kh. còn rất nhỏ, chị đi làm tạp vụ để lo cho cả gia đình. “Nó ít nói, rất cộc tính”, người mẹ ở tuổi 40 nói về con trai.
Nhóm cướp nhí bị Công an quận Tân Phú, TP.HCM bắt giữ. |
Nước mắt người mẹ
Nói về vụ cướp, mẹ Kh. cho hay: "Hôm xảy ra sự việc, nó ra tiệm Internet vì ở đó có máy lạnh. Nó nói lại là có đứa bạn học từ hồi lớp 1 bị đánh nên ra “phụ” bạn mà thôi. Hôm công an phường báo là Kh. bị bắt, tui không ăn không ngủ được cho đến khi được công an bảo lãnh cho về”.
“Học đến lớp 8 nó nghỉ ngang, tôi xin cho đi làm thuê nhưng nó mê chơi nghỉ việc. Sau đó tôi xin phụ quán nhưng được hơn tháng lại nghỉ…” - chị nói.
“Tôi biết cha mẹ ly tán cháu nó ít nhiều bị tổn thương nên yêu thương, chiều chuộng nhiều hơn nhưng hình như chưa đủ… Tôi mong cháu nó đến ngày vào bộ đội, môi trường quân ngũ sẽ rèn giũa cháu nên người nhưng chưa kịp gì đã bị bắt…” - chị khóc nấc nói.
Khi Kh. được bảo lãnh về nhà, mẹ Kh. thuê thợ đến gắn WiFi, mua máy tính để “nhốt” con ở nhà với hy vọng con trai sẽ được nhập ngũ.
Trong lời kể, thi thoảng câu chuyện bị ngắt quãng vì tiếng nấc và những dòng nước mắt của người mẹ, cảm giác như bà có lỗi với cậu con trai…
Trong vụ cướp trên, H. (bạn của Kh.) cũng bị bắt giữ và khi tìm hiểu chúng tôi mới biết em cũng có tuổi thơ thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Sau khi cha mẹ ly hôn, H. sống với bà nội. Học đến lớp 7, H. bỏ ngang.
“Nó đi bụi, khi nào về thì biết nó về. Nếu biết nghĩ nó đã nuôi tôi được rồi nhưng nó đâu nghe tôi khuyên răn…Tôi cũng không biết nó hút thuốc lá khi nào. Nó bỏ đi mấy hôm nay, tôi mong nó về” - bà buồn buồn, lấy khăn chặm mắt khi nói về đứa cháu.
Hôm H. bị bắt, người bác dâu lên công an bảo lãnh cho cháu về nhà, sau đó H. bỏ đi đâu gia đình không ai rõ.
1/3 số lượng tội phạm do người chưa thành niên gây ra trong các vụ phạm tội. Hàng năm có khoảng 15.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý, 2.000 người bị đưa vào trường giáo dưỡng và khoảng 1.200 người phải chấp hành án hình sự tại các trại giam.
Trẻ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64), Bộ Công an, độ tuổi phạm tội hiện nay có xu hướng trẻ hóa, tội phạm trong độ tuổi chưa thành niên có chiều hướng ngày càng gia tăng. Tình trạng người chưa thành niên gây án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có xu hướng tăng.
Tình trạng trẻ em và người chưa thành niên tụ tập thành băng nhóm hoạt động manh động, sử dụng vũ khí gây ra các vụ án cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, sử dụng chất kích thích, ma túy tổng hợp… diễn biến phức tạp.
Có đến 96,7% các em kết bạn với thành phần bất hảo và đa số có biểu hiện hỗn láo với ông bà, cha mẹ và thầy cô. Hơn 60% đều có chơi game bạo lực.
Trong số trẻ chưa thành niên phạm tội thì dưới 14 tuổi chiếm 13%, 14-16 tuổi chiếm 34,7%, 16-18 tuổi chiếm 52%.
Kết quả nghiên cứu về đặc điểm nhân thân của 2.599 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự, có tới 40,7% sống trong những gia đình không hoàn thiện (đa số cha mẹ ly hôn).
Trẻ em hiện nay ngày càng bị cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Trẻ chơi game nhiều hơn, tìm vui trên mạng Internet, sống ích kỷ hơn, thiếu kỹ năng xây dựng tình bạn, gia đình không thật sự hòa thuận.