Muôn kiểu “ém” hàng
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, lợi dụng cơ chế thông thoáng về chính sách hàng quá cảnh: Doanh nghiệp (DN) chỉ khai báo tên hàng đại diện khi làm thủ tục hải quan, không khai những mặt hàng khác có trong lô hàng (trong đó có thể có hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng có thuế suất cao). Ban đầu, khai tên người nhận hàng tại Việt Nam, khi bị các cơ quan chức năng phát hiện có nghi vấn hoặc phối hợp kiểm tra thì điều chỉnh với tên hàng, người nhận hàng là phía Campuchia và làm thủ tục hải quan theo loại hình hàng quá cảnh…
Một vụ buôn lậu thuốc lá qua biên giới bị lực lượng chức năng bắt giữ. Nguồn ảnh: Thu Hằng |
Bên cạnh đó, lợi dụng địa hình đường biên có nhiều đường mòn, lối mở, đường đồng ruộng, các đối tượng thuê người dân mang, vác hàng qua biên giới rồi dùng xe máy, xe tải nhỏ vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào các khu vực chợ, bến xe, trung tâm thương mại, kho hàng, bến bãi, hoặc “xé lẻ” hàng hóa vận chuyển trộm qua hai bên cánh gà các cửa khẩu. Hàng hóa buôn lậu cũng được nhiều “chủ hàng” cất giấu trong các hầm, thành, vách xe con, xe khách được gia cố tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.
Trong quá trình vận chuyển hàng lậu, các đối tượng thường bố trí “chim lợn” dùng xe gắn máy đi trước cảnh giới, canh đường theo dõi sát lực lượng chức năng nhằm trốn tránh hoặc tẩu tán hàng hoá khi bị kiểm tra, bắt giữ,…
Lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hoá đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức “chọn luồng”, cùng 1 lô hàng khai báo nhiều tờ khai ở cùng một chi cục hoặc khác chi cục, nếu luồng đỏ thì hủy tờ khai, chọn luồng vàng, xanh để thông quan hàng hoá.
Cố tình khai nhiều mặt hàng nhưng trong đó chỉ có một mặt hàng và ngược lại nhằm trốn thuế; trọng lượng nhiều nhưng khai ít, khai sai hoàn toàn so với thực tế hàng hóa; thay đổi cảng đích, thay đổi người nhận hàng gây khó khăn trong việc theo dõi đối tượng; cố tình khai báo qua mặt hàng khác có thuế thấp, giá thấp để tiêu chí rủi ro phân luồng xanh, vàng, đỏ hoặc cố tình khai thuế rất cao nhưng trong đó có mặt hàng cấm, hàng giả, hàng nhập khẩu có điều kiện; thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, hoặc không có địa chỉ đúng, DN không có bảng hiệu, thường xuyên thay đổi trụ sở để lực lượng chức năng không thể nắm được…
Hàng nhái, hàng fake treo nhan nhản
Để đối phó với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp của các đối tượng buôn lậu, trong đó có những đối tượng lỳ lợm, liều lĩnh, có “thâm niên” buôn lậu lâu năm, lực lượng chức năng như: Ban Chỉ đạo 389, Hải quan, Công an phối hợp đấu tranh. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan hiện đang phối hợp với Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (Tổng cục An ninh) xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp đấu tranh chống buôn lậu.
Ngành hải quan thực hiện Quy chế thực hiện trực ban, giám sát trực tuyến trong ngành hải quan. Triển khai kết nối hệ thống camera giám sát, vận hành hoạt động hệ thống giám sát trực tuyến phục vụ trực ban, giám sát trực tuyến trong ngành hải quan.
Giám sát việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với các đối tượng có rủi ro trong buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; chủ động, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng trên cơ sở các quy chế đã được ký kết giữa các bên, đưa quan hệ phối hợp giữa cơ quan Hải quan với các lực lượng như Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường tổ chức lực lượng, phương tiện hiệp đồng tác chiến, đấu tranh, bắt giữ xử lý các vụ việc đến phối hợp tổ chức hội thảo, tập huấn,... nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng, phát hiện, bắt giữ, xử lý 364 vụ, 228 đối tượng, trị giá hàng vi phạm ước tính gần 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, những vụ bị phát hiện, bắt giữ chỉ là những hạt muối nhỏ, những kẻ buôn lậu vẫn tìm đủ trăm phương nghìn kế để qua mắt lực lượng chức năng. Chính vì vậy, trên thị trường vẫn tồn tại hàng nhái, hàng “fake” treo nhan nhản. Chừng nào người tiêu dùng vẫn dùng hàng “rởm” và những kẻ bán hàng lậu không bị “sờ gáy”, chừng đó tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả vẫn tiếp diễn.