Được đánh giá là Trung tâm kinh tế biển của khu vực miền Trung nhưng đến nay Đà Nẵng vẫn chưa có một cảng cá "ra hồn". Hiện hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân miền Trung phải chen chúc trong một âu thuyền nhỏ hẹp và xuống cấp.
Âu thuyền quá tải
Âu thuyền Thọ Quang là nơi có cơ sở hạ tầng vào loại tốt nhất về hệ thống phao neo, cầu cảng, bến bãi cùng với vị trí địa lý hết sức lý tưởng - nằm trong lòng núi Sơn Trà. Sức chứa tối đa của âu thuyền Thọ Quang không quá 600 tàu lớn nhưng hiện đã có hơn 1.800 tàu thuyền về đây trú ẩn. Trong đó, riêng Đà Nẵng có hơn 1.600 tàu cá, với khoảng 1.200 tàu có công suất từ 40CV trở lên. Chưa kể hằng ngày có hàng trăm lượt tàu cá lớn của các địa phương khác như Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định… cùng vào trao đổi, mua bán hải sản và các dịch vụ nghề cá cũng như trú, tránh vào mùa mưa bão.
Do quá nhiều tàu thuyền về trú ẩn nên âu thuyền Thọ Quang đã quá tải. |
Nguy hiểm hơn, tại âu thuyền này chỉ có 28 phao neo, mỗi phao neo bảo đảm không quá 8 tàu cùng neo đậu. Tuy nhiên, hiện có đến hơn 30 tàu cùng neo đậu tại một phao neo, dẫn đến có 2 phao neo không chịu được áp lực nên bị nhổ phao. Tình trạng mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão đã đến mức báo động.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, đã thừa nhận tình trạng trên và cho biết: “Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ chọn để xây dựng thành 1 trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước. Chính phủ cũng đã phê duyệt cho phép thành phố xây dựng thêm một cảng cả để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Nếu không có thêm cảng cá và khu neo đậu thì sẽ rất khó phát triển nghề cá ở Đà Nẵng nói riêng và toàn miền Trung nói chung. Vấn đề này đã được Sở kiến nghị từ lâu nhưng vẫn không được xem xét, quyết định. Nếu lãnh đạo, thành phố không khẩn trương xây dựng khu neo đậu tàu thuyền cho ngư dân thì tới mùa mưa bão sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của ngư dân”.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, cho biết, do bị quá tải nên ngoài việc đem đến những hệ lụy như không đáp ứng các yêu cầu về hậu cần nghề cá, đánh nhau, tranh chấp chỗ neo đậu tàu thuyền âu thuyền này cũng đang là điểm nóng về ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Hết đất xây cảng cá
Ngày 5/2, Sở NN-PTNT TP. Đà Nẵng cho biết, đã trình đồ án đề nghị UBND TP.Đà Nẵng chọn địa điểm để đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão và cảng cá mới để thực hiện mục tiêu phát triển Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực miền Trung. Theo đồ án, khu neo đậu có diện tích mặt nước khoảng 20-30 ha, khi hoàn thành sẽ đảm bảo cho hàng trăm tàu thuyền cập bến buôn bán và trú tránh trong mưa bão.
Tuy nhiên, đồ án này đã không được lãnh đạo TP. Đà Nẵng chấp nhận vì “nó phá vỡ quy hoạch chung của thành phố”. Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, các khu vực ven sông, ven biển đã hết địa điểm để đầu tư phát triển cảng cá. Theo Sở xây dựng Đà Nẵng, việc giao đất, quy hoạch sử dụng đất khu vực cửa sông, cửa biển, nhất là khu vực vịnh Mân Quang đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất, kêu gọi thu hút đầu tư phát triển khu đô thị, khu du lịch. Việc đầu tư cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền mới trở nên nan giải. Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, không chấp nhận đồ án trên vì: nếu chọn vịnh Mân Quang làm cảng cá và nơi trú bão cho tàu thuyền thì TP sẽ giải quyết được việc phát triển nghề cá nhưng lại ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch. Nếu làm không cẩn thận sẽ phá vỡ cảnh quan, môi trường. Đây là bài toán khó, đề nghị Sở Xây dựng tích cực nghiên cứu và chòn địa điểm khác thích hợp hơn”.
Ông Thắng tỏ ra thất vọng cho biết, nếu không thông qua đề án trên thì chưa biết đến bao giờ Đà Nẵng mới có một cảng cá đúng nghĩa. “Xây dựng cảng cá thì phải xây ở ven biển nên âu thuyền Thọ Quang là địa điểm phù hợp nhất vì hiện nó đang có sẵn cơ sở vật chất. Còn xây dựng ở ven biển dọc tuyến đường Hoàng Sa- Võ Nguyên Giáp- Trường Sa thì không thể được vì nơi đây là thiên đường du lịch. Còn tuyến ven biển dọc đường Nguyễn Tất Thành thì không phù hợp. Xem ra, tình trạng quá tải cảng cá vẫn còn tiếp diễn”, ông Thắng nói.