Bảo bối đó là chiếc radar K8-60 được cải tiến để truyền phần tử mục tiêu cho tên lửa SAM-2. Vốn dĩ đây là radar dùng cho pháo phòng không 57mm. Nguyên nhân khiến chiếc radar này được sử dụng để bắt B-52 là vì từ năm 1968 đến 1970, qua nghiên cứu thủ đoạn gây nhiễu của B-52, quân ta phát hiện ra rằng B-52 không gây nhiễu đối với các radar của lực lượng phòng không làm việc ở dải sóng 3 cm. Thật tốt là những radar K8-60 lại có một tần số làm việc ở dải sóng 3 cm. Bởi vậy phòng Nghiên cứu Kỹ thuật của quân chủng PK-KQ đã đề xuất một đề tài cải tiến kỹ thuật để giúp radar tên lửa SAM-2 chống nhiễu B-52.
Trong bút ký “Cuộc đối đầu không cân sức”, Trung tướng Phan Thu nói rằng việc cải tiến này phải đảm bảo chính xác về phần tử mục tiêu, thuận tiện trong thao tác và không làm ảnh hưởng đến các chế độ làm việc của bộ khí tài tên lửa. Ông viết: “Tôi được giao chỉ đạo và triển khai đề tài cải tiến này, có sự tham gia của các anh: Hoàng Văn Khoa, Hoàng Thế Kỳ, Nguyễn Văn Tham, Nguyễn Quý Quốc, Trịnh Ngọc Xiển, La Văn Sàng. Họ đều là các kỹ sư của phòng Nghiên cứu Kỹ thuật, Cục kỹ thuật Quân chủng Phòng không – Không quân.
Radar K8-60 trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ. |
Nội dung cải tiến được lắp ở 3 nơi: trong xe radar K8-60, trong xe điều khiển (xe IIA) và trên nóc xe thu phát (xe YA) của SAM-2. Việc truyền phần tử được tự động, thông qua một hệ thống selsyn phát selsyn thu và selsyn biến thế”.
Việc thiết kế và chế tạo bộ cải tiến đầu tiên hoàn toàn do tổ đề tài của Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật thực hiện. Bộ khí tài được chọn lắp thử nghiệm là bộ khí tài của tiểu đoàn 76, trung đoàn 257. Sau khi lắp và thử nghiệm thành công ở tiểu đoàn 76, quân chủng PK-KQ cho đưa vào lắp ở tiểu đoàn 89 (trung đoàn 274) đang bố trí chiến đấu ở Quảng Bình.
Để phần tử của radar K8-60 và đài điều khiển tên lửa thống nhất với nhau thì khi chuẩn bị chiến đấu phải lấy hướng chuẩn chung giữa ăng ten radar K8-60 với ăng ten của xe thu phát radar tên lửa. Việc lấy hướng chuẩn chung được thực hiện bằng cách thống nhất đường ngắm quang học của PA-00 và đường ngắm của ăng ten radar K8-60.
Ngày 30/2/1972, tiểu đoàn 89 cơ động về trận địa Cổ Kiềng để nghiên cứu đánh B-52. Bộ khí tài của tiểu đoàn 89 lúc đó đã được cải tiến lắp ráp bộ phận nhận phần tử mục tiêu của radar K8-60. Trong gần 2 tháng, radar K8-60 đã bắt được mục tiêu 18 lần, trong đó có 2 lần bắt được B-52. Cự ly bắt được mục tiêu xa nhất là 65 km còn trung bình là 35 km đến 45 km.
Một chiếc B-52 đang thả bom. Ảnh minh họa. |
Trước thời điểm diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không”, bộ cải tiến đã được thử nghiệm một lần vào ngày 19/11/1972. Đơn vị thử nghiệm là tiểu đoàn 79, bố trí trận địa ở gần cầu Mai Lĩnh (Hà Đông). Máy bay để kiểm tra có 1 IL-18 và 1 Mig-21. Hai chiếc máy bay bay riêng rẽ vào hai thời điểm khác nhau.
Đầu tiên radar tên lửa chưa phát sóng, chỉ có radar K8-60 phát sóng bắt mục tiêu, bám sát mục tiêu tự động từ 35 km và truyền phần tử mục tiêu sang xe điều khiển của tiểu đoàn 79 để trắc thủ góc tà và góc phương vị của đài điều khiển bám sát mục tiêu bằng phương pháp so kim thống nhất. Đến cự ly 28 km, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 79 ra lệnh cho đài điều khiển phát sóng thì thấy tín hiệu phản xạ mục tiêu xuất hiện đúng giữa đường ngắm của màn hiện sóng góc phương vị và của màn hiện sóng góc tà.
Các trắc thủ vẫn tiếp tục so kim để mọi người quan sát xem tín hiệu phản xạ mục tiêu có sai lệch với đường ngắm không? Kết quả thật bất ngờ, đối với máy bay IL-18 với tốc độ bay tương đương như B-52 thì ăn khớp giữa radar K8-60 với radar tên lửa rất khít nhau. Còn đối với Mig-21 vì bay cơ động nên có dao động đôi chút khi máy bay vào gần dưới 10 km.
Sau thử nghiệm này, quân chủng PK-KQ kết luận rằng radar K8-60 có nhiều ưu điểm để sử dụng đánh B-52. Bởi vì radar này chưa bị quân đội Mỹ gây nhiễu nên bắt mục tiêu bình thường và không bị tên lửa shrike bắn. Mặt khác do cánh sóng hẹp nên nó có khả năng chống nhiễu địa vật rất cao, có thể bắt mục tiêu bay qua vùng đồi núi hoặc bay thấp.
Lượng bom đạn khủng khiếp mà một chiếc B-52 mang được. |
Do những kết luận như vậy nên trong chiến dịch 12 ngày đêm, radar K8-60 đã được trang bị cho tiểu đoàn 57 và tiểu đoàn 79. Ở tiểu đoàn 57, nó đã bắt được B-52 18 lần còn ở tiểu đoàn 79 bắt được 12 lần. Sự hỗ trợ của radar này đã giúp các tiểu đoàn trên lập chiến công xuất sắc.
Sách Lịch sử bộ đội tên lửa Phòng không (1965-2005) ghi nhận: “Tiểu đoàn 79 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt chỉ huy đã sử dụng phần tử của radar K8-60 phát sóng bắt được B-52, chuyển sang đánh bằng phương pháp bắn đón, bắn rơi tại chỗ 2 chiếc B-52”.
Đánh giá về sự đóng góp của radar K8-60 đối với thắng lợi của chiến dịch đánh B-52 năm 1972, tướng Nguyễn Xuân Mậu, trong hồi ký Bảo vệ bầu trời viết: “Rõ ràng, dù phương tiện chiến tranh có phát triển hiện đại đến đâu, đôi khi một biện pháp thô sơ cũng góp phần làm nên chiến thắng. Xuất phát từ suy nghĩ như thế, đồng chí Phan Thu đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Tư lệnh Quân chủng cho sử dụng loại radar thuộc thế hệ sắp đưa vào bảo tàng, dùng để bắt B-52. Và kết quả thật bất ngờ! Trong chiến dịch 12 ngày đêm, chính loại máy này đã bắt được B-52 dễ dàng hơn các loại máy khác, bởi hai lẽ:
Một là, trong khi nghiên cứu chế tạo máy gây nhiễu, những nhà khoa học Mỹ đã không đếm xỉa gì đến cái anh chàng “cổ lỗ sĩ” ấy.
Hai là, đây mới là chủ yếu – rằng chúng ta đã biết sắp xếp cho anh chàng này đứng đúng vị trí của mình nên mắt thần của anh chàng lạc hậu đó đã sáng trở lại, dễ dàng rọi lên tận chín tầng mây vạch nhiễu, nhìn rõ B-52 để báo cho tên lửa ta tiến công chúng”.
Việc ta dùng radar K8-60 để bắt B-52 là một điều Mỹ không ngờ đến. Trong bút ký Cuộc đối đầu không cân sức, tướng Phan Thu kể: “Sau chiến dịch 12 ngày đêm chống tập kích đường không bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, tôi có dịp đi cùng cơ quan tình báo của ta đến nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội để hỏi cung tù binh. Tôi đã hỏi một sĩ quan điện tử trên B-52: “Khi bay vào đánh Hà Nội, anh có thu được radar mặt đất làm việc ở dải sóng 3 cm không?. Anh ta trả lời: “Thưa ngài có”. Tôi lại hỏi: “Anh đã xử lý nó thế nào?” – Trả lời: “Tôi không quan tâm đến nó vì đó là một radar của loại pháo phòng không tầm thấp, không uy hiếp gì đến B-52”.