Diễn viên Bảo Anh được đông đảo khán giả biết đến là một diễn viên nam chuyên vào vai công an trên màn ảnh qua các bộ phim: Mạch ngầm vùng biên ải, Khúc ca cho tình nhân, Người phán xử, Lật mặt, Kẻ sát nhân... Một trong những vai diễn để đời của Bảo Anh chính là nhân vật Bảo "ngậu", một cảnh sát hình sự chìm trong bộ phim Người phán xử. Sự thành công của vai diễn đã khiến nhiều khán giả cứ thấy Bảo Anh trên phim nào cũng đinh ninh anh là cảnh sát chìm.
Bảo Anh mới quay trở lại đóng vai chính trong bộ phim Gara hạnh phúc, anh cho biết đây là lần đầu tiên chính thức được vào vai người thường trên màn ảnh. Trong cuộc trò chuyện gần đây với Dân Việt, diễn viên Bảo Anh đã có những chia sẻ về hành trình làm nghề và câu chuyện "dở khóc dở cười" khi làm vai công an quá nhiều lần trên phim.
Là một diễn viên tay ngang, cho đến nay khi nhìn lại hành trình đến với nghề diễn Bảo Anh cảm nhận như thế nào?
- Tôi từng theo học ngành Quản trị kinh doanh và sau khi tốt nghiệp ra trường tôi cũng đã đi làm văn phòng. Nhưng suốt thời gian gắn bó với công việc của một người làm kinh doanh khiến tôi cảm thấy như đây không phải là cuộc sống là công việc như bản thân mong muốn.
Đúng khoảng thời gian ấy Trung tâm VFC - Đài Truyền hình Việt Nam mở một lớp đào tạo diễn viên truyền hình khóa 2. Mẹ tôi thấy thông tin nên có gọi điện và hỏi tôi có muốn thử sức không. Tôi đã đăng ký tham gia khoá học. Đó là bước chân đầu tiên tôi đến với diễn xuất. Tôi nghĩ đó cũng là cái duyên, mình chọn một ngã rẽ khác nhưng cuối cùng lại là con đường phù hợp hơn với mình.
Bố mẹ của Bảo Anh có theo nghệ thuật không? Có mẹ ủng hộ hết mình, vậy còn bố anh, ông phản ứng thế nào khi anh quyết định rẽ ngang sang làm diễn viên?
- Gia đình tôi chẳng có ai theo nghệ thuật cả. Tôi cũng lo lắng bố sẽ không đồng ý cho mình theo nghề diễn nên lúc tôi đăng ký khoá học tại VFC thì cả hai mẹ con đều giấu bố chuyện này. Mãi cho đến khi tôi có vai diễn đầu tay, khi phim đã được lên sóng bố tôi mới biết tôi đi đóng phim. Thấy tôi xuất hiện trên tivi và quyết định làm nghề diễn bố rất ủng hộ. Tôi may mắn vì luôn được bố mẹ động viên, ủng hộ những việc mình làm. Bây giờ khi tôi đã có gia đình nhỏ cho riêng mình thì tôi luôn có bà xã ủng hộ tinh thần để theo đuổi công việc.
Từng nhiều lần đảm nhiệm vai diễn công an trên màn ảnh, rất ít khi vào những vai diễn đời thường như Khải trong Gara hạnh phúc. Anh cảm thấy làm công an trên màn ảnh khó hơn hay làm người thường khó hơn?
- Mỗi dạng vai sẽ có điểm khó và dễ. Với vai công an tưởng là dễ nhưng cũng không phải vậy. Bởi vì nếu như làm 10 nhân vật có 10 cuộc đời, 10 số phận khác nhau hoàn toàn thì dễ dàng thể hiện sự khác biệt trong các nhân vật. Khán giả luôn thắc mắc vì sao tôi chỉ làm những vai hình sự, coi đó là thói quen và con đường mòn của tôi. Nhưng thực tế tôi cũng phải rất vất vả, đau đầu để tìm ra hướng đi mới cho nhân vật cũ. Cùng một màu áo xanh ấy nhưng lại phải làm thế nào để khán giả thấy những con người khác nhau, những tính cách khác nhau mới là điều khó.
Nhưng suy cho cùng tôi vẫn thấy làm vai đời thường khó hơn rất nhiều. Cảm xúc của một nhân vật đời thường phức tạp lắm, có yêu, có ghét, có thù hận, có nhiều thứ cần thể hiện. Tôi đã có mười mấy năm làm vai cảnh sát hình sự nên tác phong nghiêm chỉnh, từng bước đi, ánh mắt của người cảnh sát như "ăn vào máu" rồi. Ngay cả khi làm phim Gara hạnh phúc, đạo diễn thỉnh thoảng cũng phải nhắc: "Ông ơi! Ông không phải cảnh sát hình sự đâu nhé!". Lúc đấy tôi cũng mới giật mình, à đúng rồi! quên mất, mình đang làm người thường (cười).
Có vẻ như cái bóng của nhân vật Bảo "ngậu" quá lớn nên khi vào bất cứ vai nào trên màn ảnh khán giả cũng liên tưởng Bảo Anh đang làm một cảnh sát chìm trên phim, còn lần này thì sao, anh có lo lắng khán giả nghi mình là cảnh sát chìm nữa không?
- Sau bộ phim Người phán xử kể cả tôi có làm vai gì người ta cũng nghi tôi là cảnh sát chìm. Tôi nghĩ là vai Khải cũng không thoát nổi (cười). Biết đâu bất ngờ, đến gần cuối phim khán giả mới "tá hoả" vì loạt thợ sửa xe trong gara lại là cảnh sát nằm vùng điều tra phá án thì sao? Đó cũng là phần trăm rủi ra có thể xảy ra mà (cười).
Thực ra, vai diễn Khải cũng có đôi chút màu sắc, một nét diễn na ná với hình ảnh một cảnh sát hình sự. Khải cũng khá trầm tính, ít nói, lạnh lùng. Vào vai Khải tôi cũng phải sử dụng ánh mắt rất nhiều, nhưng có điều là vai Khải bình dị, thô mộc hơn, cách bộc lộ cảm xúc cũng được tự nhiên hơn là làm một vai cảnh sát. Khải là một mảng màu sắc rất trầm trên phim, nếu chỉ cần mất tập trung một chút thôi là có thể thành vai diễn khác ngay lập tức.
Có những lúc tôi ngồi im thế thôi nhưng trong đầu vẫn đang nhẩm lời thoại, nghĩ xem làm thế nào để mình có thể đạt được cảm xúc diễn tốt nhất cho nhân vật. Tôi không phải là diễn viên chuyên nghiệp nên tôi cũng không có quá nhiều kỹ thuật diễn. Tôi chỉ luôn nghĩ ở phân đoạn này tôi nên đưa cảm xúc gì vào, những cảm xúc ấy tôi đã được trải qua ở ngoài đời thực và tôi đưa vào nhân vật của mình.
Khi vào vai một chiến sĩ công an, luôn gắn liền với nghiệp vụ nên sẽ hiếm khi khán giả được thấy Bảo Anh có những lần rơi nước mắt trên màn ảnh. Lần này, được vào vai người thường, số phận, cuộc sống lắm thăng trầm như Khải liệu khán giả có được thấy một phân cảnh nào Bảo Anh khóc trên phim hay không?
- Có lẽ là không đâu. Khải là một nhân vật có tính cách cứng rắn, quyết đoán nhưng cũng có diễn biến nội tâm phức tạp hơn rất nhiều. Tôi cảm giác vai Khải có màu sắc mạnh hơn cả những vai hình sự. Cách thể hiện cảm xúc của Khải cục cằn, ngang ngược, khó đoán mà khắc nghiệt với cuộc sống vô cùng. Cuộc đời Khải là một màu đen tối, anh ta cũng tự khắt khe với chính bản thân mình. Anh ta không sống cho bản thân mình mà sống cho em gái (diễn viên Ngọc Huyền).
Đây cũng là lần đầu tiên Bảo Anh tương tác với Ngọc Huyền trên màn ảnh, vào vai hai anh em. Ngọc Huyền cũng là nữ diễn viên tay ngang. Khi làm việc chung với Huyền, Bảo Anh có thấy mình trong những ngày đầu tiên chập chững đến với nghề diễn?
- Những ngày đầu làm phim của tôi khác nhiều lắm. Bây giờ làm phim khó hơn nhiều về mặt kỹ thuật, hình ảnh, về tất cả mọi thứ, đòi hỏi ở diễn viên nhiều hơn. Chính vì vậy mà các bạn diễn viên trẻ như Huyền cũng có sự xuất sắc và trưởng thành rất sớm.
Trên phim trường các diễn viên phải lao động nhiều hơn vì phải quay nhiều góc máy. Ngày xưa làm phim có khi chỉ cần làm 1-2 đúp là xong, nhưng bây giờ để có một cảnh phim phải bấm máy đến chục đúp. Vậy nên việc làm sao để giữ được mạch cảm xúc qua hàng chục lần quay như vậy không phải là dễ. Để mà nói thì khi nghĩ lại những ngày đầu làm phim tôi vẫn có những cảm xúc dễ chịu hơn.
Cảm ơn Bảo Anh với những chia sẻ thú vị!