“Thượng vàng hạ cám”
Gần đến Tết Trung thu 2019, trên thị trường, bên cạnh bánh trung thu có thương hiệu, trào lưu bánh Trung thu handmade đang rất phổ biến. Ngoài các loại bánh Trung thu với khuôn hoa văn truyền thống như hình tròn, hình vuông, nhiều người còn sáng tạo thêm các loại hình độc đáo như bánh mô phỏng 12 con giáp, bánh hình con lợn, gấu, cá... Nhân bánh và vỏ bánh cũng rất phong phú.
Theo đó, bánh Trung thu handmade năm nay còn có các loại vỏ bánh mới lạ như: Vỏ bánh có thành phần từ tinh than tre, trà xanh, hoặc được tạo màu từ nước cốt các loại củ quả (chanh leo, củ dền, lá dứa...). Ngoài ra, còn có nhiều dòng sản phẩm mới như bánh Trung thu rau câu ngũ sắc, Trung thu lạnh, Trung thu ngàn lớp, bánh nhân chảy... Theo khảo sát, bánh Trung thu handmade rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, màu sắc cho tới giá cả. Bánh có trọng lượng 100 gram có giá từ 15.000 - 50.000 đồng/chiếc, bánh có trọng lượng 150- 200 gram có giá dao động từ 25.000 - 80.000 đồng/chiếc tùy loại nhân. Bên cạnh các shop online bán bánh Trung thu handmade phải đặt trước, nhiều shop luôn trong tình trạng sẵn hàng, khách muốn mua cả vài trăm chiếc cũng có thể giao hàng ngay.
Đặc biệt, năm nay còn có sự xuất hiện của những chiếc bánh Trung thu dát vàng và các loại nhân bánh “sang chảnh” như nhụy nghệ tây, vi cá, yến sào, bào ngư... với quảng cáo có nhiều tác dụng bổ dưỡng cho cơ thể, làm đẹp, tốt cho tim mạch và huyết áp, trẻ hóa làn da, chống lão hóa... Loại bánh này giá từ 200.000-230.000 đồng/chiếc 150 gram, thường được bán theo hộp sang trọng, giá 800– 900.000 đồng/hộp 4 chiếc.
Chị Huỳnh Nguyên Thảo, ngụ quận 9, TP.HCM chia sẻ: “Bánh Trung thu handmade không bị quá ngọt như bánh truyền thống. Tôi thường mua ở những nơi quen biết cho yên tâm chứ cũng không dám mua lung tung vì cùng là bánh tự làm nhưng có nơi bán rất rẻ, chỉ 15.000 – 20.000 đồng/chiếc, cũng có chỗ bán 70.000-80.000 đồng/chiếc cùng loại nhân, cùng trọng lượng. Mua bánh tự làm chủ yếu tin tưởng người bán là chính”.
Các loại bánh trung thu handmade được rao bán nhan nhản trên mạng xã hội. |
Kinh hãi chợ nguyên liệu “ba không”
Trào lưu tự làm bánh Trung thu nở rộ khiến thị trường nguyên liệu làm bánh cũng tấp nập hơn. Dạo một vòng qua các chợ Kim Biên (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), TPHCM, có thể dễ dàng mua nguyên liệu với giá rẻ, từ các loại bột làm bánh, các loại nhân, chất tạo màu, tạo mùi đến nước đường.
Bột làm bánh dẻo có giá từ 40.000 – 60.000 đồng/kg, bột làm bánh nướng 18.000 - 25.000 đồng/kg; nước đường có giá 50.000 đồng/kg; các loại nhân nhuyễn sên sẵn (nhân khoai môn, đậu đỏ, lá dứa, đậu xanh, trà xanh...) có giá từ 40.000- 80.000 đồng/kg; mứt bí 80.000 đồng/kg, lạp xưởng 140.000 đồng/kg... Khách mua nhiều, được “chiết khấu”, giao hàng tận nơi. “Để làm nhân bánh thập cẩm thì mua mứt bí, hạt dưa, mỡ đường, lạp xưởng, hạt sen... mỗi thứ một ít về trộn với nhau là được. Mua thêm nước đường đun sẵn, bột về trộn bột với nước đường, đóng bánh là xong”, một tiểu thương ở chợ Kim Biên bật mí.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, để làm ra một chiếc bánh cần rất nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, trong khi bánh được chế biến với nhiều công đoạn khác nhau từ thủ công đến máy móc công nghiệp tại hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ. Do bánh Trung thu handmade hạn sử dụng ngắn nên khả năng có các hóa chất độc hại, nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, tụ cầu, tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng...).
Đáng chú ý, hầu hết bánh Trung thu handmade được bán trên thị trường đều không ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Khi được hỏi, đa phần các chủ hàng đều đảm bảo “bánh mới làm, dùng trong 3-5 ngày hoặc 1 tuần nếu bảo quản trong tủ lạnh”. Tuy nhiên, bánh handmade được làm theo phương pháp thủ công truyền thống, nếu người làm không tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc thì sẽ rất khó đảm bảo an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nhiều nguyên phụ liệu được bán ở các khu chợ chất lượng không được kiểm soát.
Đầu bếp Trần Thị Hiền Minh, Chủ nhiệm CLB hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn đánh giá: “Dòng bánh handmade được làm theo nhu cầu, có cầu ắt có cung. Không thể đánh đồng tất cả bánh handmade là không tốt. Quan trọng vẫn là người tiêu dùng thông minh để chọn được bánh có chất lượng, hợp với khẩu vị của mình”.
Theo khuyến cáo của cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế), người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có tên tuổi, có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh phải ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Không mua, không sử dụng bánh trung thu không nhãn mác khi không biết rõ nguồn gốc sản phẩm.
Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu, bao gồm việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh Trung thu để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua việc lấy mẫu bánh, chỉ định để kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng và chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn tương ứng.