Nghìn tỉ thì cũng làm … sắt vụn
KS Đỗ Thái Bình nhớ lại, với tàu nghiên cứu Biển Đông, đã có lần ông đặt chân lên đó để bảo dưỡng các bè cứu sinh bơm hơi. Nay nó vắng bóng trên tất cả các trang mạng tiếng Việt, kể cả trang danh sách tàu của Đăng Kiểm VR. Nó có phải là đồ vứt đi như nhiều thứ viện trợ khác của phương Tây không, không thích hợp với “điều kiện của ta, con người ta, đặc thù Việt Nam?’.
‘Tôi cố công tìm hiểu con tàu Biển Đông này, và chỉ có thể tìm nó bằng tiếng Anh còn tiếng Việt duy nhất có bài báo ca ngợi chuyến cứu con tàu này vào năm 2003”, ông Bình nhớ lại.
Theo KS Bình, khởi nguồn con tàu này là tàu Dr. Fridtjof Nansen theo chương trình hợp tác giữa Norad Na Uy và Tổ chức Lương Nông LHQ FAO.
Tàu được đóng tại nhà máy Mjellem Karlsen, thành phố đóng tàu Bergen, Na Uy với giá đóng 14.850.000 Kr Na Uy, cộng thêm giá thiết bị khoa học và đánh cá vào khoảng 16.500.000 Kr nữa (tương đương với khoảng 66.000.000 Kr vào năm 1995, nếu tính theo đô la Mỹ là 12.500.000 USD).
Tàu Biển Đông có chiều dài 47.50m,rộng 10.30m, mớn nước tối đa 4.30m, dung tải 495GT, số IMO 7504251 hô hiệu XVUW. Tàu đóng năm 1976, được giao cho Việt Nam năm 1982.
‘Không biết con tàu này được khai thác tới cỡ nào, sau vụ tai nạn tàu Biển Đông bị cuốn lưới vào chân vịt, chỉ thấy nó xuất hiện trong lần hợp tác nghề cá Việt Trung và bây giờ không rõ con tàu nằm tại đâu’, ông Bình băn khoăn.
Không ai biết con tàu này bây giờ đang ở đâu. |
Chẳng riêng gì con tàu Biển Đông, không khó để tìm thấy những con tàu tiền tỉ đang lang thang trên biển. GS.TS Nguyễn Đức Hùng, Học Viện hàng hải Australia nhắc về chuyện 7 con tàu hoang mà Vinashin đang tìm cách bán sắt vụn.
Hay như mới đây, đại diện ngành vận tải hàng hải Việt Nam thừa nhận có tới cả đội tàu biển Việt Nam "tuổi cao", tình trạng kĩ thuật kém không thể nhổ neo.
Cụ thể từ năm 2006, Vinashin đã để Tổng Cty CNTT Nam Triệu nhận bàn giao tàu Bạch Đằng Giang từ Cty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương với giá trị khoảng 155 tỷ đồng nhưng tàu vẫn không thể nhổ neo do đã hư hỏng.
Trong năm 2006 và 2007, Cty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương thuộc Vinashin mua 10 tàu vận tải biển số tiền 3.136 tỷ đồng (gần 200 triệu đô la). Số tàu này đều có tuổi đời trên 15 năm.
Chính vì lô tàu hàng trăm triệu đô la này “quá tuổi” nên chúng không được đăng kiểm tại Việt Nam. Hiện chúng đang được treo cờ nước ngoài (Panama, Tuvalu, Liberia) để tham gia hoạt động vận tải.
Với Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam Vinalines, giai đoạn 2005-2010, Vinalines đầu tư mua 73 tàu, đa số các tàu mua là của nước ngoài, đã qua sử dụng, với năng lực vận tải 2.005 DWT với tổng số vốn đầu tư là 22.853 tỷ đồng.
Số tàu mua của Vinalines có tuổi tàu cao, thậm chí có tàu 33 tuổi, 17/73 tàu (chiếm 23,3%) quá tuổi quy định, không được phép đăng ký tại Việt Nam. Thậm chí tàu Lively Falcon 30 tuổi vẫn mua, được Bộ Giao thông vận tải cho phép đăng ký và treo cờ nước ngoài.
Đầu năm 2013, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng cho phép phá dỡ những con tàu thuộc sở hữu Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài nhưng không còn khả năng khai thác, xuống cấp và nằm ụ quá lâu tại các cảng.
Việt Nam biến thành bãi rác công nghiệp
Theo ông Trịnh Thế Cường, trưởng phòng vận tải và dịch vụ hàng hải Cục Hàng hải Việt Nam, đối với tàu biển quá cũ, không còn nhu cầu khai thác không còn cách nào khác là phải phá dỡ.
... và những con tàu nghìn tỉ này cũng thành sắt vụn. |
Cũng theo ông Cường, Cục Hàng hải đang nghiên cứu, đề xuất gia nhập Công ước quốc tế Hong Kong về tái chế tàu biển an toàn và thân thiện môi trường 1992, kiến nghị sửa đổi Luật bảo vệ môi trường.
“Điều quan trọng là tạo dựng hành lang pháp lý để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế theo quy định của pháp luật, tránh tạo ra tiền lệ lách luật mua tàu cũ, biến Việt Nam thành nơi chứa phế thải công nghiệp”, ông Cường nói.
Trước đó khi bàn về câu chuyện này, Đại biểu QH Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) đã chia sẻ với Đất Việt: rằng chúng ta có thể trở thành một bãi rác công nghệ lạc hậu của thế giới. Do vậy Chính phủ phải đánh giá lại những việc đó như thế nào.
Điều đáng nói hơn “bãi rác” này được bỏ tiền ra mua bằng chính tiền thuế của dân. Trong khi nguồn lực ngày càng hạn hẹp thì “bãi rác” nghìn tỉ đã không phát huy được tác dụng đồng vốn lại còn có nguy cơ tốn thêm tiền để xử lý nó.