Sau khi Báo Tri thức và Cuộc sống đăng tải loạt bài "Bến xe 'thả trôi' quy trình kiểm soát an toàn xe khách" phản ánh về tình trạng nhiều nhà xe kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định không vào bến thực hiện quy trình kiểm soát an toàn phương tiện và người lái nhưng vẫn được cấp, ký lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến..., ngày 17/4, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã phát đi văn bản số 1337/CĐBVN-QLVT,PT&NL gửi Sở GTVT các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Điện Biên về việc kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm theo quy định.
Xe khách tuyến cố định của nhà xe Phiệt Học không vào bến xe Tiền Hải (Thái Bình) nhưng vẫn được ký, cấp lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến. |
Trong văn bản, Cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ: "Trong các ngày 14-15/04/2023, báo điện tử Tri thức và Cuộc sống đã có các bài viết "Loạt bến xe thả trôi quy trình kiểm soát an toàn xe khách", trong đó phản ánh một số xe khách tuyến cố định không vào bến nhưng vẫn được cấp lệnh xuất bến là có dấu hiệu của việc mua bán giấy tờ và lợi ích nhóm.
Để tiếp tục đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân; Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô; Cục ĐBVN đề nghị Sở GTVT các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Điện Biên khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện Công văn 1536/CĐBVN-QLVTPT&NL ngày 15/03/2023 của Cục ĐBVN và chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải chủ động khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, camera lắp đặt trên xe kinh doanh vận tải để cảnh báo và xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm.
Chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT tăng cường kiểm tra, đặc biệt các trường hợp đã được đề cập trên báo Tri thức và Cuộc sống các ngày 14-15/04/2023.
Như Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh, nhà xe Vân Anh (chạy tuyến cố định BX khách phía Bắc Thanh Hóa - BX Nước Ngầm), nhà xe Phiệt Học (BX Tiền Hải - BX Giáp Bát), nhà xe Mai Tuyên (BX Bồng Tiên - BX Giáp Bát), nhà xe Khiêm Oanh (BX Quán Lào - BX Giáp Bát), nhà xe Bính Hà (BX Thịnh Long – BX Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), nhà xe Tuấn Dương (BX Thịnh Long – BX Yên Nghĩa, Hà Nội), nhà xe Long Giang (BX Điện Biên phủ - BX Bãi Cháy), nhà xe Tuấn Thư (BX Yên Bái - BX Mỹ Đình)...không vào bến theo quy định vẫn được cấp, ký lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến, thậm chí còn được bến xe ký, cấp giấy tờ trước để hoạt động sai luồng tuyến, giờ hoạt động.
Ngoài ra, việc bỏ qua quy trình kiểm soát phương tiện và người lái tại bến xe cũng tạo ra "lỗ hổng" về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, nhiều tài xế có nồng độ cồn, ma túy nhưng vẫn bị "bỏ lọt" qua cổng bến để hành nghề.
Như TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải nhận định, tình trạng xe khách tuyến cố định không vào bến để thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông, nhưng vẫn được cấp lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến là dấu hiệu buông lỏng quản lý của cả bến xe và cơ quan chức năng ở khu vực bến.
“Bản chất đó là xe dù, bến cóc. Việc xe đón khách ở ngoài cổng bến nhưng lại liên kết với bến xe để cung cấp đầy đủ giấy tờ để chạy 2 đầu bến là dấu hiệu của việc móc nối, mua bán giấy tờ và lợi ích nhóm”, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói và nhấn mạnh việc “tiếp tay” này của bến xe đã tạo cơ hội cho xe dù, bến cóc phát triển mạnh mẽ, dần làm chủ mạng lưới vận tải hành khách và dần “xóa sổ” các bến xe chính quy, đi ngược lại tinh thần cương quyết dẹp bỏ các vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa mà lâu này Nhà nước xây dựng và triển khai.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc bỏ qua quy trình kiểm tra điều kiện an toàn phương tiện và người lái của bến xe sẽ khiến công tác giám sát hoạt động vận tải gặp khó khăn và khó chống lại được nạn xe dù, bến cóc. Cần phải xem xét tăng chế tài xử lý bến xe, doanh nghiệp vận tải vi phạm trong việc quản lý, vận hành trước, trong và sau khi xe tuyến cố định hoạt động ở bến để có tính răn đe.
Mời quý vị độc giả đón đọc Bài cuối - “Thả trôi” quy trình kiểm soát an toàn ở bến xe: Loạt địa phương chấn chỉnh
Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền yêu cầu các Sở GTVT Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Điện Biên xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) và báo cáo kết quả về Cục ĐBVN trước ngày 30/04/2023. Cục ĐBVN đề nghị Sở GTVT các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện.