Ngày 17/7, một cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Sóc Trăng bị lực lượng chức năng lập biên bản vì bán giá cao hơn so với niêm yết. Một ngày sau, cửa hàng này tại Đắk Lắk cũng bị lập biên bản vì lỗi vi phạm như trên.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã làm việc với siêu thị này, song cho biết kết quả kiểm tra cho thấy giá cả "không tăng quá cao".
Thực tế, những ngày qua, khá nhiều người phản ánh Bách Hóa Xanh tăng giá bán một số mặt hàng thực phẩm, thậm chí bán giá cao hơn so với niêm yết giữa dịch Covid-19.
Trước những phản ánh này, lãnh đạo chuỗi cửa hàng khẳng định không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Nhưng cũng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống.
Người dân xếp hàng dài mua sắm tại cửa hàng Bách Hóa Xanh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngày 12/7, chị L. (quận Gò Vấp, TP.HCM) đến cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Phan Huy Ích mua sườn, nhưng khi về nhà mở ra, chị phát hiện miếng sườn cốt lết đã ôi thiu, bốc mùi.
"Trước giờ tôi mua hàng ở đây chưa từng có vấn đề nên không để ý kỹ. Dù sườn cốt lết là hàng giảm giá cũng không thể để thịt hỏng như vậy bán cho khách hàng", chị bức xúc.
Một số khách hàng cũng cho biết một số cửa hàng còn tính tiền nhầm, cân sai, chất lượng sản phẩm thời gian gần đây kém. Chị Phan Linh (quận Bình Thạnh) cho biết ngày 15/7, chị vào cửa hàng Bách Hóa Xanh gần nhà mua rau, củ từ rất sớm nhưng đến nơi thì hầu hết rau đã héo, thậm chí có loại còn vàng úa, sâu hỏng.
"Các kệ rau, quầy hàng của Bách Hóa Xanh khá dơ và có mùi, nhất là khu vực thịt, cá. Tôi mua thịt cá ở đây mấy lần chất lượng đều không đảm bảo như ở một số chỗ khác", anh H.A (quận 5) cũng phản ánh.
Một khách hàng phản ánh mua phải miếng sườn cốt lết đã ngả màu, ôi thiu tại cửa hàng Bách Hóa Xanh. Ảnh: L.K. |
Chị Nhã (TP Thủ Đức) cho biết từ trước đến nay chị luôn chọn mua hàng ở Bách Hóa Xanh nhưng thời gian gần đây chị để ý thấy giá thực phẩm tươi sống tăng cao so với các siêu thị khác như chanh có hôm 50.000 đồng/kg, rau muống 50.000 đồng/kg. "Trong khi đó, rau tại các nhà vườn bán rất rẻ, nhiều nơi phải đổ bỏ", chị nói.
Tuy nhiên, một số khách hàng khác cho rằng trong thời buổi dịch bệnh, siêu thị quá tải vì nhu cầu tăng cao, do đó không thể tránh khỏi sai sót.
"Tôi đi Bách Hóa Xanh để ý nhân viên ở đó làm rất nhiều việc, vừa sắp hàng, vừa lấy hàng trong kho, vừa chỉnh lại hàng hóa trên line, vừa làm cá... rất cực, nhất là những ngày đầu giãn cách", chị Ngọc Thúy (quận 7) nói.
Sự phản ứng với thương hiệu Bách Hóa Xanh còn được thể hiện trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di Động - doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh - đã bị nhà đầu tư bán rất mạnh trong phiên 19/7, có lúc giảm sàn và đóng cửa mất tới 6,9%, tương đương mức giảm 11.600 đồng mỗi cổ phiếu, về mức giá 156.500 đồng/cổ phiếu.
Sau phiên bán tháo, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động chốt phiên ngày 20/7 với mức hồi phục 5,2% nhưng chưa lấy lại được những gì đã mất ở phiên 19/7.
Trước phản ứng của dư luận, ngày 19/7 lãnh đạo Bách Hóa Xanh cho biết đã lắng nghe và "đồng cảm" với các bức xúc của khách hàng về việc giá bán một số mặt hàng tăng và chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo (chưa cập nhật giá niêm yết kịp thời, tính tiền nhầm, cân sai, thái độ phục vụ chưa tốt…) tại một số cửa hàng.
Theo Bách Hóa Xanh, họ đã không ngừng nỗ lực để tăng cường gấp 2-4 lần công suất vận hành.
"Ban lãnh đạo đang rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành và tìm kiếm giải pháp xử lý. Ban lãnh đạo quyết định các hành động hướng đến việc kiểm soát giá bán như tăng thêm mã sản phẩm trong danh mục hàng hóa thiết yếu cam kết giữ giá bán cố định đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM", đại diện siêu thị này cho biết.
CEO Bách Hóa Xanh Trần Kinh Doanh. Ảnh: MWG. |
Đối với trường hợp sản phẩm có giá mua vào tăng bất hợp lý, siêu thị sẽ nỗ lực chuyển hướng mua các sản phẩm khác thay thế hoặc nhanh chóng tìm kiếm nhà cung cấp và vùng trồng mới để giảm áp lực cung ứng.
"Trong trường hợp mọi giải pháp kiểm soát giá mua vào không mang lại kết quả, Bách Hóa Xanh sẽ chủ động giảm sản lượng hoặc tạm ngưng kinh doanh ngắn hạn các mặt hàng này cho đến khi giá mua vào quay về mức hợp lý (không mua bằng mọi giá). Trong những trường hợp này, công ty sẽ thông tin rõ ràng lý do đứt hàng vì giá mua vào tăng cao đến khách hàng", đại diện này cam kết.
Trước đó, ngày 13/7, hệ thống bán lẻ này đã thông báo tăng giá bán một số mặt hàng do phải bù đắp cho chi phí vận chuyển, xét nghiệm, nhân công... tăng cao.
Trong trường hợp mọi giải pháp kiểm soát giá mua vào không mang lại kết quả, Bách Hóa Xanh sẽ chủ động giảm sản lượng hoặc tạm ngưng kinh doanh ngắn hạn các mặt hàng này.
Đại diện Bách Hóa Xanh.
Ngày 17/7, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh, cho biết bình thường mỗi ngày chỉ bán được khoảng 500 đến 600 tấn hàng hóa, còn trong thời gian qua, hệ thống đã nâng lên khoảng 2.000 đến 2.500 tấn hàng hóa mỗi ngày.
Ông Doanh thừa nhận việc hệ thống Bách Hóa Xanh tăng giá bán một số mặt hàng trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc tăng giá bán hàng hóa không phải vì mục đích lợi nhuận mà vì các lý do khách quan.
"Chúng tôi cam kết nếu bó rau giá 20.000 đồng thì khách hàng sẽ có bó rau đúng giá trị 20.000 đồng đã bỏ ra để mua. Nếu bán cà chua với giá 30.000 đồng thì khách hàng cũng có sản phẩm chất lượng tương đương mức giá 30.000 đồng", ông nói.
Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, cho biết trước thông tin Bách Hóa Xanh tăng giá bán, lực lượng QLTT đã kiểm tra các siêu thị của hệ thống này. Kiểm tra 232/561 siêu thị nhận thấy giá bán tại Bách Hóa Xanh không tăng quá cao so với thị trường.
Bên cạnh đó, Cục QLTT TP cũng làm việc với các chợ truyền thống, các siêu thị, cửa hàng để vận động cam kết không tăng giá, tạo mọi điều kiện cung ứng hàng hóa cho người dân.
Cục QLTT các tỉnh thành phố phía Nam tiếp tục nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Ngay trong ngày 20/7, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra 21 cửa hàng Bách Hóa Xanh và chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, bán cao hơn giá niêm yết.
Trước đó, trao đổi với đại diện Bách Hóa Xanh, ông Ba cho rằng, người dân đã đồng hành với siêu thị trong thời gian dài. Hiện, tình hình dịch bệnh căng thẳng do đó không vì bất kỳ một lý do nào mà quay lưng lại với bà con để nâng giá bán một cách bất hợp lý.
Theo ông, tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, đưa hàng hóa về tới TP.HCM rất khó khăn vì chi phí đội lên. "Nhưng phía Bách Hóa Xanh cũng phải nghiên cứu làm sao để giá cả bán ra cho bà con thật phù hợp, đừng nhân cơ hội này nâng giá bán một cách bất hợp lý", ông nói.
Bách Hóa Xanh phải nghiên cứu làm sao để giá cả bán ra cho bà con thật phù hợp đừng nhân cơ hội này nâng giá bán một cách bất hợp lý.
Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM.
Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị - cho biết trong giai đoạn dịch bệnh, Chính phủ đang kêu gọi chia sẻ, nhiều đơn vị còn đứng ra hỗ trợ thực phẩm miễn phí cho người dân, do đó việc tăng giá bán sẽ khiến doanh nghiệp tự làm mất thương hiệu, uy tín của mình.
"Những nhà bán lẻ còn lại phải xem đó là một bài học để cân đối nguồn hàng, bán với mức giá hợp lý để phục vụ nhân dân. Trong khi Bách Hóa Xanh thông báo tăng giá thì các nhà bán lẻ khác như Saigon Co.op, Vinmart lại giữ được mức giá ổn định", ông nói.
Theo ông, lực lượng quản lý thị trường, tài chính phải vào cuộc để kiểm tra nếu bán hàng giá chênh lệch quá đáng phải thu hồi chênh lệch.
Đến tháng 5/2021, hệ thống Bách Hóa Xanh có 1.851 cửa hàng, tại 25 tỉnh thành. Trong 5 tháng đầu năm, chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 10.600 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Doanh thu chuỗi này lần đầu tiên vượt mốc 2.500 tỷ đồng trong tháng 5, tăng 19% so tháng 4 và tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng này đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội.