Bác thông tin ngập lụt ở Chương Mỹ do xả lũ hồ Hòa Bình

Thông tin ngập lụt tại Chương Mỹ và một số huyện của Hà Nội là do Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xả lũ là không chính xác.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong những ngày vừa qua có nhiều thông tin thất thiệt về việc xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình làm ảnh hưởng đến vùng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ Hà Nội. “Đây là những thông tin không chính xác, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Việc xả lũ không ảnh hưởng đến hạ du và vùng ngập lụt tại Chương Mỹ”, ông Mỹ khẳng định.
Bac thong tin ngap lut o Chuong My do xa lu ho Hoa Binh
Ngập lụt ở Chương Mỹ  không phải do xả lũ ở hồ Hòa Bình 
Lý giải về tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại một số huyện của Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, do tình trạng mưa lũ lớn, nước ở Hòa Bình tràn về. Cụ thể lượng mưa lũ lớn từ huyện Kim Bôi tràn về Mỹ Đức; từ huyện Lương Sơn tràn về huyện Chương Mỹ dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng như nhiều ngày qua tại huyện Chương Mỹ.
Một nguyên nhân khác là do khả năng thoát nước của các sông chính kém, sông Bùi đổ ra sông Tích, sông Tích dẫn ra sông Đáy. Do vậy, khả năng thoát nước sông Bùi phụ thuộc vào khả năng thoát nước của sông Đáy. Tuy nhiên, sông Đáy lại đổ ra sông Hồng qua sông Đào, sông Đáy còn đổ ra sông Hoàng Long (Ninh Bình). Song một phần lũ ở sông Hoàng Long dâng cao nên cửa thoát của sông Đáy bị hạn chế.
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước.
Bac thong tin ngap lut o Chuong My do xa lu ho Hoa Binh-Hinh-2
Ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội thông tin tại cuộc giao ban 
Thông tin thêm về tình hình mưa lũ tại một số huyện ngoại thành, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) thành phố Hà Nội cho biết: "Hiện mực nước sông Bùi tại xã Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) trên mức báo động II là 0,25m; trong đợt mưa lũ vừa qua, mức nước cao nhất lúc 13 giờ ngày 30/7 là 7,51m, trên mức báo động III là 0,51m. Mực nước tại sông Nhuệ cũng xuống mức báo động I; mức nước sông Tích xuống dưới báo động III từ 40 - 60 cm.
Theo báo cáo mới nhất, tổng diện tích lúa bị ngập là trên 4.400 ha. Để khắc phục tình trạng úng ngập khu vực ngoại thành, các công ty thủy nông đã vận hành các trạm bơm tiêu. Tổng hợp của Chi cục Thủy Lợi, thời điểm cao nhất đã huy động 298 trạm bơm tiêu với 1.096 máy bơm, tổng lưu lượng bơm hơn 2,8 triệu m3/giờ.
Tình hình úng ngập tại một số khu vực ngoài bãi sông ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức đã cơ bản được giải quyết, tuy nhiên tại huyện Chương Mỹ vẫn còn một số địa bàn bị ngập úng: Xã Thủy Xuân Tiên, Mỹ Lương, Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ…
Công tác cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân tại huyện Chương Mỹ đã được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Các ngành liên quan như y tế, Thương binh và Xã hội, Công Thương… đã phối hợp cùng UBND huyện Chương Mỹ tập trung công tác đảm bảo an toàn đê điều, công trình thủy lợi, cũng như đảm bảo về y tế, vệ sinh môi trường, đời sống của nhân dân trong vùng úng ngập.
Cũng tại buổi giao ban báo chí, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian ngập lụt tại huyện Chương Mỹ có 59 trường hợp bị viêm kết mạc, 150 trường hợp bị bệnh ngoài da, chủ yếu là nước ăn chân; tại huyện Quốc Oai có 13 trường hợp viêm kết mạc và trên 100 trường hợp bị bệnh ngoài da; tại huyện Mỹ Đức có trên 100 trường hợp mắc bệnh ngoài da. Hiện tại, các ca đau mắt đỏ, bệnh da liễu chỉ xuất hiện đơn lẻ, rải rác.
“Với phương châm nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh đến đó, ngành y tế đã huy động lực lượng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, phối hợp với lực lượng của địa phương tổ chức vệ sinh môi trường, khử khuẩn triệt để; đồng thời UBND các huyện và các xã bị ngập lụt đã mua vôi bột về để làm sạch môi trường. Các bệnh viện Da liễu Hà Nội, bệnh viện mắt Hà Đông, bệnh viện huyện Chương Mỹ chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, nhân lực y tế, dự kiến khám sức khỏe cho 8.500 nhân khẩu của 7 thôn ngập nặng ở 3 xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ”, ông Hoàng Đức Hạnh khẳng định.

Tin mới