Thông tin phương án xử lý cầu Thăng Long được Tiền Phong cho hay:
Theo đó, phương án 1: Sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu; khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bê tông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây. Giải pháp này, Tổng cục Đường bộ đánh giá, có thể sẽ khắc phục được hết các hư hỏng trên nhưng có nhược điểm là tốn kém kinh phí; kéo dài thời gian; đảm bảo giao thông khó khăn; thi công lớp bản thép trực hướng khó khăn do kết cấu dàn thép đã có chuyển vị và đường sắt không thể dừng khai thác; thủ tục liên quan đến đánh giá tác động lên kết cấu dàn thép phức tạp.
Ảnh minh họa. Nguồn: ANTĐ |
Phương án 2: Chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu như phương án 1, không sửa chữa phần kết cấu thép. Tuy nhiên, phương án này sẽ không xỷ lý được triệt để hiện tượng nứt dọc do bản thép bị mỏi, suy giảm khả năng chịu tải.
Phương án 3: Cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại trong quá trình hàn sẽ phát sinh nhiệt có thể làm biến dạng bản thép và trong quá trình khai thác, biến dạng và dao động của bản thép làm bong bật các mối hàn.
Tổng cục Đường bộ đã liên hệ với chuyên gia Nga. Phía Nga đã trả lời có thể hợp tác nhưng đề nghị chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước, đồng thời sẽ khảo sát tình hình thực tế.
Năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2, nhưng từ đó tới nay, lớp bê tông nhựa bị xô dồn, nứt ngang mặt do dính bám giữa các loại bê tông nhựa mới sửa và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu.
Mặt tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài hơn 3km, rộng 20,5m, với 4 làn xe cơ giới. Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985.