Theo thông báo của TAND Cấp cao tại TP.HCM, ngày hôm nay, 20/9/2018, cơ quan này sẽ mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ kiện về Quyết định khôi phục chức vụ Phó TGĐ thường trực Tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Do đây là phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm nên Bản án sẽ có hiệu lực pháp luật ngay khi được Tòa tuyên.
Nội dung vụ việc được tóm tắt như sau:
Cách đây vừa tròn 01 năm, ngày 22/9/2017, TAND TP.HCM ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Quyết định số 01 ngày 13/4/2015 do ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty). Song song đó, Tòa tuyên bố khôi phục tư cách chức danh Phó Tổng giám đốc của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên và yêu cầu Tập đoàn này không được ngăn cấm bà Thảo điều hành và quản lý Tập đoàn.
Tuy nhiên, không đồng ý với Bản án này, Tập đoàn Trung Nguyên nộp đơn kháng cáo yêu cầu hủy bỏ Bản án sơ thẩm. Ngày 9/10/2017, Trung Nguyên tiếp tục ban hành Quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Trung Nguyên của bà Thảo một lần nữa.
Ngày 7/2/2018 TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án này. Tuy nhiên, ngay trước phiên xét xử, Tập đoàn Trung Nguyên đã có đơn xin hoãn phiên tòa phúc thẩm.
Theo thông báo của Tòa, ngày hôm nay, 20/9/2018 TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án trên. Đây là phiên tòa mà Tòa án sẽ buộc phải ra Bản án và Bản án này sẽ có hiệu lực pháp luật ngay khi được Tòa tuyên.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ hiện vẫn đang là vợ chồng. |
Phiên sơ thẩm đã khôi phục chức danh của bà Thảo
Trở lại với nội dung Bản án sơ thẩm được TAND TP.HCM tuyên ngày 22/09/2017, chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực là chức danh quản lý quan trọng của công ty được bà Thảo nắm giữ liên tục từ ngày 08/5/2006.
Bà Thảo đã thay mặt Tổng Giám đốc thực hiện việc quản lý điều hành Tập đoàn Trung Nguyên, như “Ký duyệt tất cả các hồ sơ, văn bản, quyết định, hợp đồng, tài liệu giao dịch của Công ty thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc – Người đại diện Pháp luật Công ty; Ký duyệt tất cả các tờ khai, quyết toán thuế, báo cáo, thông báo, văn bản giải trình và các văn bản liên quan đến thuế trước khi nộp cho cơ quan Thuế của Công ty thuộc phạm vi, trách nhiệm quyền hạn của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc – Người đại diện Pháp luật Công ty; Ký duyệt tất cả các giấy tờ, văn bản giao dịch với Ngân hàng nhân danh và thông qua tài khoản của Ngân hàng của Công ty...”
Quyết định bãi nhiệm bà Thảo do ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký với tư cách Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên, tuy nhiên theo quy định của Luật doanh nghiệp cũng như Điều lệ Tập đoàn Trung Nguyên, không có điều khoản nào quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị có thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với các cán bộ quản lý quan trọng của công ty (Căn cứ điểm h, khoản 2 Điều 108 Luật doanh nghiệp năm 2005 và khoản 23.2 Điều 23 Điều lệ Tập đoàn Trung Nguyên quy định Hội đồng quản trị mới có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc (Tổng giám đốc) và cán bộ quản lý quan trọng khác của Công ty...).
Do đó, TAND TP.HCM kết luận Quyết định bãi nhiệm số 01 do ông Vũ ký ngày ngày 13/4/2015 với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị là trái với các quy định của pháp luật.
Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã buộc Tập đoàn Trung Nguyên không được ngăn cấm, cản trở bà Thảo tham gia điều hành, quản lý công ty với tư cách là một thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.
Lý lẽ của Tập đoàn Trung Nguyên
Việc TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án này ra xét xử theo trình tự phúc thẩm là bởi Tập đoàn Trung Nguyên đã có đơn kháng cáo đối với Bản án sơ thẩm mà TAND TP.HCM đã tuyên ngày 22/9/2017.
Đơn kháng cáo của Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng Yêu cầu 1 trong đơn khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Thảo, do ông Vũ với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trung Nguyên ký; Đồng thời yêu cầu Tòa án buộc Tập đoàn Trung Nguyên không được ngăn cản, cản trở bà Thảo tham gia điều hành, quản lý Công ty, với tư cách là một Thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc thường trực) không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Cụ thể, Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng yêu cầu trên không thuộc Điều 30 và 31 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Tuy nhiên, các luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đồng tình với Bản án sơ thẩm khi căn cứ vào Điều 30.4 Bộ luật Tố tụng Dân sự để xác định bản chất của tranh chấp.
Cũng trong đơn kháng cáo, Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng cần sửa Bản án sơ thẩm theo hướng bác bỏ việc ghi nhận công nhận thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, phía bà Thảo cho rằng ý kiến này hoàn toàn không có cơ sở vì việc Tập đoàn Trung Nguyên đồng ý một phần của Yêu cầu 2 (Yêu cầu Tập đoàn Trung Nguyên cung cấp các báo cáo tài chính liên quan đến hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên của các năm trước đây và đến thời điểm hiện tại; cung cấp Điều lệ, các Biên bản họp, Nghị quyết của Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Trung Nguyên theo quy định của pháp luật) và toàn bộ Yêu cầu 4 (Yêu cầu ông Vũ với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập các cuộc họp Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông (thường niên và bất thường) theo quy định của pháp luật) không chỉ được ghi nhận trong Bản án sơ thẩm, mà còn trong Biên bản hòa giải ngày 24/01/2017.