Cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận định gì về quan hệ Australia - Trung Quốc?
Australia “chơi nước đôi, quá lệ thuộc vào “đối tác thương mại” Trung Quốc, trong khi lại kỳ vọng Mỹ bảo vệ trước Bắc Kinh càng ngày càng “hung hăng con bọ xít” ngược ngạo ở châu Á, cả về quân sự lẫn lãnh thổ.
Bà Clinton ký tên tặng cuốn hồi ký cho người mua. |
Đó là lời “đá xoáy” chính phủ Australia của nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, khi bà trả lời phỏng vấn tạp chí Good Weekend nhân dịp bà vừa xuất bản cuốn hồi ký "Những lựa chọn khó khăn".
Bà Clinton cảnh cáo: chính phủ Thủ tướng Australia Tony Abbott quá chú trọng chuyện làm ăn với Trung Quốc “sẽ khiến quý vị lệ thuộc đến độ quý vị bị mất tự do và mất sự toàn vẹn lãnh thổ về chính trị và kinh tế”.
Khi được cho biết Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb dẫn đoàn doanh nghiệp 630 người tham quan nhiều thành phố Trung Quốc hồi tháng 4, bà Clinton nói: “Đó là một sai lầm, dù bạn là một quốc gia, một công ty hoặc là một cá nhân, mà theo cách nói của chúng tôi, thì đó là gom hết cả trứng vào một rổ”.
Bà nói thêm: “Đúng như sai lầm của châu Âu quá lệ thuộc vào chỉ một nguồn cung ứng. Từ tháng 3/2009, tôi đã nêu vấn đề này với các nước châu Âu, rằng họ ngày càng lệ thuộc nguồn khí đốt Nga. Họ đã phải rút hai kinh nghiệm, năm 2006 và 2009, chuyện Nga cắt nguồn cung cấp, khiến nhiều người chết ở Ba Lan và các nước khác”.
Mỹ quay lại châu Á để giúp các nước bị "Trung Quốc bắt nạt"
Lời cảnh báo của bà Clinton trùng thời điểm thắc mắc rằng liệu chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama có thực hiện chủ trương “xoay trục về châu Á” hay không. Bà nói bà khởi xướng chủ trương này hồi năm 2012, để làm “bức tường chắn” sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Bà Clinton giải thích rằng Mỹ phải quay lại châu Á, nơi một nhóm nước nhỏ gồm cả Australia đang bị Bắc Kinh bắt nạt, nên họ phải vận động đồng minh Mỹ bảo vệ trước Trung Quốc ngày càng thèm khát những nguồn tài nguyên tự nhiên.
Hiện Trung Quốc chiếm hơn 35% các mối quan hệ thương mại của Úc. Hồi năm ngoái khi trở thành Thủ tướng Úc, ông Abbott từng có những lời lẽ chỉ trích những hành vi cướp đất, biển đảo của các nước khác khiến Bắc Kinh khó chịu.
Nhưng hồi tháng 4 khi thăm Trung Quốc, ông Abbott không nói đến Mỹ, và tán dương các thành tựu đổi mới của Trung Quốc, khác với trước đây ông chỉ trích những hoạt động vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Trong chuyến thăm này, ông Abbott nói: “Australia đủ mạnh để là một đối tác giá trị nhưng không là thế lực vượt trội. Đoàn Australia đến Trung Quốc để giúp xây dựng một thế kỷ châu Á”.
Khi ra về, ông Abbott còn mượn lời của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: “Làm giàu là vinh quang” rồi ông nói thêm “Nhưng là bạn thật sự thì tuyệt vời”.
Ông Abbott cạnh một con sư tử đá, phía xa là tấm bảng hiệu có chữ Hoa và tiếng Anh mang nghĩa "Nuốt cả thế giới". |
Và trong cùng tuần bà Clinton trả lời phỏng vấn, ông Abbott đi Mỹ, thể hiện những suy nghĩ khác. Tại Phòng thương mại Mỹ, ông đề cập Trung Quốc là một đối thủ siêu cường của Mỹ, thay vì là một nỗi đe dọa cho Australia và các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực, điều khiến Mỹ phải xoay trục về châu Á.
Tại Nhà Trắng, ông Abbott nói với ông Obama, rằng cần phải có một cường quốc như Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc đang trỗi dậy.. Ông muốn vị lãnh đạo Mỹ phải đưa hơn 1.150 quân Mỹ đến trú đóng luân phiên ở Australia, thậm chí nên tăng số quân này lên 2.500 người, hoặc Mỹ lập hẳn một căn cứ quân sự thường trực ở Australia.
Theo đoàn tùy tùng của ông Abbott, ông nói tất cả những quyết định đưa-tăng quân và lập căn cứ ấy là yếu tố giúp chủ trương “xoay trục về châu Á” đạt thành công.
Trở lại với bà Clinton, người được dự đoán sẽ ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 để có một thành viên đảng Dân chủ Mỹ kế nhiệm ông Obama. Cuốn hồi ký bán rất chạy của bà lại bị cấm phát hành ở Trung Quốc, chưa đầy một tháng sau khi nó được tung ra chợ sách thế giới, theo nhà xuất bản Simon & Schuster.
“Những lựa chọn khó khăn” (Hard Choices) được bà Clinton dùng kể lại 4 năm làm nữ Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ 1 của ông Obama. Nó gồm nhiều chương mô tả lãnh đạo Trung Quốc là những người “ngột ngạt, cứng ngắc”.
Bà còn viết: “Chẳng phải là bí mật gì, trung tâm chống phong trào dân chủ ở châu Á là Trung Quốc”. Bà trách Bắc Kinh từng kiểm duyệt không phát sóng bài diễn văn năm 1995 của bà, tại một hội thảo do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Bắc Kinh về chủ đề phụ nữ.