Những năm gần đây, nhiều đoàn viên công đoàn trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) đã đầu tư đa dạng: cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để tăng thêm thu nhập gia đình.
Nhiều mô hình của đoàn viên, công nhân, viên chức lao động đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm góp phần thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Liên đoàn Lao động huyện phát động, trong đó có mô hình nuôi chim trĩ của anh Dương Hoàng Hải - Phó Chủ tịch CĐCS Bảo hiểm xã hội huyện Cù Lao Dung.
Sau khi xuất ngũ, về quê cưới vợ vào năm 2012, sống cùng gia đình gồm ba thế hệ, với truyền thống cách mạng lâu đời anh Hải luôn ý thức được rằng: phải gương mẫu thực hiện tốt các quy định tại cơ quan, địa phương.
Trong gia đình, anh là người con hiếu thảo, người chồng, người cha mẫu mực, luôn yêu thương, chăm sóc, nuôi dạy con biết kính trên nhường dưới, vâng lời ông bà cha mẹ.
Tuy nhiên, với ước mơ làm giàu chính đáng từ đôi bàn tay của mình, tăng thu nhập hàng ngày ngoài những đồng lương của cán bộ Nhà nước để nuôi con ăn học và cải thiện thu nhập gia đình làm anh trăn trở.
Mô hình nuôi chim trĩ-một loài chim quý hiếm của gia đình đoàn viên Dương Hoàng Hải, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. |
Vào năm 2017, anh nắm bắt được nhu cầu thị trường chuộng chim trĩ với giá khá cao so với các loại vật nuôi khác, mà động vật này lại khan hiếm.
Bằng những tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệp và tra cứu thông tin trên mạng Internet anh đã quyết định tìm mua 15 cặp giống chim trĩ bố mẹ, dùng để nhân giống cung cấp cho thị trường.
Đối với loại chim trĩ bố mẹ mỗi năm sinh sản hai mùa: xuân và hè. Bình quân mỗi năm chim mái đẻ 100-150 trứng.
Chim trĩ vốn là một loài chim hoang dã nên có sức đề kháng rất tốt, ít dịch bệnh, thích nghi tốt với điều kiện nuôi nhốt.
Thức ăn của loài chim quý hiếm này chủ yếu là thóc, gạo, ngô và các loại rau xanh nên rất dễ kiếm.
Đến nay anh đã có hơn 100 chim mái để nhân giống, có những thời điểm chuồng nuôi của gia đình anh có trên 550 con.
Vì nhu cầu cung cấp giống ngày càng nhiều nên ngay từ đầu anh đã mạnh dạn đầu tư mua máy ấp trứng trị giá 4.000.000 đồng để sử dụng, từ khi có máy ấp trứng tỷ lệ trứng nở chim con trên 90%; từ đó nguồn thu nhập của gia đình ngày càng được nâng lên và phát triển hơn.
Có thể khẳng định, anh Hải là người tiên phong trong việc nuôi chim trĩ tại thị trấn Cù Lao Dung. Đến đợt xuất bán có rất nhiều khách đặt mua, nhiều lúc chim con chưa nở thì đã có khách dặn trước, thường anh bán chim trĩ giống từ 80.000- 85.000 đồng/con.
Còn chim trĩ nuôi thành thương phẩm thì khoảng 5 tháng là anh Hải xuất bán với giá khoảng 180.000 đồng/kg. Bình quân thu nhập của việc nuôi chim trĩ đã tăng ổn định cho anh Hải từ 15.000.000-25.000.000 đồng/tháng.
Có thể nói, mô hình nuôi chim trĩ tăng thu nhập gia đình của anh Dương Hoàng Hải - Phó Chủ tịch CĐCS Bảo hiểm Xã hội huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) là một trong những mô hình hay, cần được chia sẻ và nhân rộng đối với công nhân viên chức lao động có thu nhập không cao.
Anh Hải là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đồng chí Mạch Long Trận - Chủ tịch CĐCS Bảo hiểm Xã hội huyện đã khẳng định.
Với suy nghĩ dám nghĩ dám làm đã đem lại thành công, tăng thu nhập cho gia đình một cách hiệu quả và bền vững. Anh đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người lính cụ Hồ thời bình, xứng đáng là tấm gương sáng để anh em đoàn viên công đoàn học tập và noi theo.