Ngược dòng lại thời gian, anh Đinh Văn Sơn, xóm Sơn Lập (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) nhớ lại: “Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống. Cuộc sống nay đây mai đó với mức lương 5 triệu đồng/tháng cộng với việc phải đi thuê trọ nên cuộc sống của vợ chồng luôn thiếu thốn”.
“Càng ngày, các con ngày càng lớn nên nhu cầu chi phí ngày càng cao. Sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi quyết định về quê lập nghiệp. Vợ mở cửa hàng tạp hóa tại nhà. Còn tôi lên núi làm chuồng nuôi lợn rừng và lợn bản địa trong hốc đá, hang đá", anh Sơn kể với Dân Việt.
Theo anh Sơn, nhiều năm trước, khi gia đình anh làm nương thì những mảnh đất đẹp đã hết. Cả khu đồi của xóm chỉ còn lại một bãi đất toàn đá, gần như không trồng được cây gì, chẳng ai dám nhận. Trên bãi đá có nhiều hang, hốc đá tự nhiên. Mảnh đất đồi hoang đó chỉ tận dụng được một ít bãi dưới chân để trồng bương, luồng. Phần còn lại bỏ hoang. Tận dụng địa hình đồi có nhiều hang đá, anh quây phía ngoài thành chuồng. Những chỗ có nhiều hốc thì dùng bương, tre lợp dựng mái, tạo nền.
Anh Sơn cho biết: “Ở Đà Bắc có giống lợn bản địa từ lâu được mọi người ưa thích. Ngày tôi còn bé, bố mẹ thường xuyên nuôi. Khi lập nghiệp tôi chọn nuôi giống lợn bản địa. Trước đây, gia đình nuôi lợn ở gần khu dân cư hay bị dịch bệnh, do vậy phải thường xuyên tiêm phòng. Nhiều bệnh không tiêm phòng kịp hoặc không có thuốc tiêm bị chết cả đàn. Những lúc như thế rất nản nên tôi chọn mảnh đất đồi đá cách nhà gần 1km không có người ở để nuôi. Do cách biệt với khu dân cư, lợn thường xuyên vận động leo núi, ở hang nên khỏe, ít bệnh. Mùa hè chuồng mát, mùa đông thì ấm áp do được đá che chắn. Từ ngày vào đây nuôi lợn tôi đỡ vất vả hơn”.
Anh Sơn chia sẻ thêm với báo Hòa Bình: “Tôi cũng không nghĩ việc nuôi lợn trong hang, hốc đá lại hiệu quả đến vậy. Việc làm chuồng trại tốn ít công, dịch bệnh ít, giảm công chăm sóc. Mỗi ngày tôi vào cho lợn ăn 2 lần. Thức ăn là cám, ngô, sắn có sẵn, được ủ men. Mỗi ngày chỉ mất khoảng 30 phút vào cho ăn, ngoài thời gian trên, tôi vẫn làm được việc khác. Hôm nào bận thì vợ hoặc người nhà vào cho ăn. Cũng tận dụng từ những hốc đá, tôi xây thành bể nhỏ, dẫn nước hơn 1km về cho lợn tắm”.
Theo anh Sơn, ngoài tạo chuồng trại ở hang đá, việc nuôi lợn rừng, lợn bản địa không cần quá cầu kỳ, chỉ cần chú ý theo dõi để có cách chăm sóc hợp lý. Điều quan trọng là phải có diện tích vườn đồi đủ rộng, lợn được thả rông thịt mới thơm ngon như lợn rừng tự nhiên. Thị trường đầu ra đối với lợn tương đối ổn định, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.
Nhờ lựa chọn con giống tốt, nuôi với hình thức bán hoang dã, thả rông nên lợn có sức đề kháng cao, sinh sản đạt yêu cầu. Mỗi năm lợn rừng sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 7 - 9 con. Năm vừa qua, gia đình anh xuất bán 80 con lợn bản địa thương phẩm, giá bán 120.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm vợ chồng anh có thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài ra còn thu nhập từ những công việc khác.
Nhận thấy nuôi lợn rừng, lợn bản địa cho hiệu quả kinh tế, thời gian tới, anh Sơn sẽ tiếp tục nhân giống lợn, đồng thời mở rộng diện tích chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình.