Về làng khởi nghiệp với nghề sản xuất bàn ghế đá granito
Đến nhà anh Trần Văn Thăng, thôn Phương Khê, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, đứng trước ngôi biệt thự to đẹp, kiến trúc hiện đại giữa làng quê, chúng tôi cứ nghĩ đó là nhà của "đại gia" nào đó nào đó ở thành phố xây dựng để cuối tuần đưa gia đình về nghỉ ngơi, chứ không phải nhà của một người nông dân sinh ra từ làng, khởi nghiệp từ làng.
Anh Thăng cho biết: "Năm 1996 ra Quảng Ninh làm công việc về xây dựng. Trong quá trình làm việc, tôi tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm về làm Granito (Đá granito được biết đến là một loại đá nhân tạo được tạo thành bởi hỗn hợp bê tông và bột màu + đá màu) chuyên làm bậc cầu thang, thềm nhà, bậc tam cấp... trong các công trình xây dựng. Sau đó, năm 1997, tôi vào Đà Nẵng cũng làm về granito để tiếp tục trau rồi kỹ thuật và kinh nghiệm. Sang năm 1998, tôi về làng để tự khởi nghiệp với công việc này".
Khi về quê hương, anh Trần Văn Thăng vẫn làm phần Granito trong xây dựng, anh nhận việc từ các công trình xây dựng ở địa phương và công trình xây dựng nhà ở của người dân chuyên làm về bậc thềm, bậc câu thang và tay vịn cầu thang…
Điều đó buộc anh Thăng phải nghĩ làm gì để có việc làm, có thu nhập để nuôi vợ con? Ý tưởng làm ghế đá granito nảy sinh trong đầu, rồi anh mày mò tìm hiểu cách làm ghế đá Granito. Tiếp đó, anh mày mò tự thiết kế kiểu dáng của bàn, ghế đá.
Được sự giúp đỡ Hội nông dân xã, huyện trong việc vay vốn, giúp anh tiếp cận nguồn vốn vay để có tiền đầu tư máy móc, nguyên liệu sản xuất. Năm 2006, anh Thăng chính thức khởi nghiệp với lĩnh vực sản xuất ghế đá Granito.
Điểm khác biệt của sản phẩm bàn ghế đá Granito của xưởng anh Thăng đó là, anh chú trọng vào chi tiết hoa văn, kiểu dáng cong, uốn lượn tạo độ mềm mại, thẩm mỹ khác với các kiểu bàn ghế đá khác vuông thành sắc cạnh, dễ gây chấn thương cho người dùng khi va đập của các cơ sở khác. Ngoài ra, anh cũng chú trọng đến việc sáng tạo, thương xuyên có những mẫu mã mới để khách hàng lựa chọn sử dụng.
Anh Thăng cho biết: Lúc mới có sản phẩm, việc tìm khách hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Vì mình sản xuất ở làng quê, trong khi đó người dân ở các làng quê vẫn chưa quen với việc sử dụng bàn ghế đá. Mình phải đi nhiều nơi để chào, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm. Khi có khách mua rồi thì sản phẩm của cơ sở mình lại dễ bán, vì mẫu mã, kiểu dáng thân thiện với người dùng.
Hiện nay, anh Thăng có 1 cơ sở sản xuất bàn ghế đá rộng hơn 2000 m2 và anh đã xây dựng kênh bán hàng với hệ thống gần 20 đại lý bán hàng nằm ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc như: TP Hà Nội, TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương…
Tình hình sản xuất của cơ sở bình quân sản xuất 10 bộ bàn ghế đá/ngày. Mỗi năm cơ sở sản xuất tiêu thụ hơn 2000 bộ sản phẩm ghế đá, doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi năm cơ sở lãi 700 – 800 triệu đồng.
"Trong thời gian tới, sẽ mua thêm máy móc sản xuất để tăng số lượng sản phẩm. Qua đó, tăng thu thập cho người lao động, thu nhập cho bản thân mình, đáp ứng nhu cầu thị trường với sản phẩm tốt nhất", anh Thăng cho hay.
Tạo việc làm cho lao động địa phương
Anh Thăng tâm sự: Hồi mới làm ghế đá Granito, lúc đó chỉ có 2 vợ chồng làm mọi việc. Sau này, khi đã có thị trường, yêu cầu cộng việc cần phải làm ra nhiều hàng để bán cho khách nên hai vợ chồng tôi làm không xuể. Phải thuê thêm lao động về làm để cho kịp tiến độ sản xuất và giao hàng cho khách. Tận dụng nguồn lao động địa phương những lúc nông nhàn nên tôi đã thuê lao động người trong làng, trong xã về làm.
Hiện tại, xưởng sản xuất ghế đá của anh tạo việc làm cho 20 lao động địa phương, với mức lương bình quân 8 – 9 triệu đồng/người/tháng. Người lao động làm việc chăm chỉ, gắn bó với cơ sở. Không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương mà anh còn giúp đỡ họ những khi gặp khó khăn hoặc cần tiền để sắm phương tiện sản xuất. Anh Thăng đã cho 3 – 4 lao động của cơ sở vay vốn để phát triển sản xuất gia đình.
Cùng với đó, anh Thăng còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng Nông thôn mới ở địa phương. Trong phong trào làm đường giao thông, ngoài đóng góp tiền theo mức đóng góp chung của địa phương, anh Thăng còn bỏ 50 triệu đồng để đổ bê tông đường xóm dài gần 100 m, chiều rộng đường từ 4m – 4,5 m được các cấp chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Một trong những đóng góp của anh cũng được đánh giá cao, đó là tích cực tham gia vì cộng đồng trong phòng chống dịch Covid 19. Anh tích cực ủng hộ công tác chống dịch bằng những hành động thiết thực ý nghĩa. Cụ thể, anh dành hàng chục triệu đồng để mua các hiện vật, lương thực ủng hộ công tác phòng chống dịch. Anh cũng chính là người đầu tiên ở địa phương mua gà của các hộ chăn nuôi để thịt nấu xôi gà phục vụ cho các chốt chống dịch. Góp phần vừa giúp hộ chăn nuôi gà đến lứa xuất bán thu lại được vốn, vừa cung cấp đồ ăn cho lực lượng làm công tác chống dịch.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuấn Việt cho biết, anh Trần Văn Thăng là một trong những hội viên tiêu biểu của Hội Nông dân xã Tuấn Việt. Ngoài làm kinh tế giỏi, để làm giàu cho bản thân, gia đình anh ấy còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, với mức lương so với ở quê cũng khá cao.
Mặt khác vợ chồng anh ấy còn tích cực, nhiệt tình tham gia và có những đóng góp tích cực các hoạt động, phong trào của địa phương từ phòng chống dịch Covid, xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông nông thôn, đến các hoạt động xã hội, từ thiện, an sinh vì cộng đồng anh đều đóng góp, ủng hộ tích cực và hiệu quả được chính quyền địa phương đánh giá cao.