Trong lịch sử ngành tư pháp thế giới, có không ít vụ án oan khiến nhiều người phải lâm vào bước đường cùng, thậm chí trả bằng cả mạng sống. Mảng tối về sự vô trách nhiệm với mạng sống con người của những người nắm quyền sinh sát sẽ phần nào được hé lộ qua loạt bài “Những vụ án oan làm chấn động lịch sử”.
Troy Davis và chiếc giường thi hành án tử hình với anh. |
Vào đêm 18/8/1989, Mark Allen MacPhail, một sĩ quan cảnh sát ở Savannah, bắt đầu công việc tuần tra hàng ngày trên đường phố Savannah.
Theo hồ sơ vụ án, đúng lúc này, tại khu vực trạm xe buýt Greyhound, một người đàn ông da đen đã dùng súng bắn vào chiếc xe gần đó và đánh vào đầu một người đàn ông vô gia cư.
Khi MacPhail có mặt hiện trường và ra lệnh cho người đàn ông này dừng lại thì ngay lập tức bị hắn quay lại chĩa súng rồi bắn liên tiếp. Mặc dù có áo chống đạn nhưng xương hàm phải, má trái và chân phải của MacPhail đều bị thương và 1 viên đạn chí mạng trúng ngực trái là nguyên nhân chính khiến anh tử vong.
Theo lời khai của Sylvester Redd Coles - một nhân chứng có mặt tại hiện trường, người đàn ông da đen đó “trông có vẻ giống như là Troy Davis”.
Ngày 23/8, Troy Davis bị bắt giam và điều tra.
Tại phiên tòa diễn ra năm 1991, 9 nhân chứng, trong đó có Sylvester Redd Coles khai rằng họ đã thấy Davis bắn MacPhail. Tuy nhiên, Troy Davis khăng khăng kêu oan. Anh khai mình thậm chí đã tận mắt thấy Coles tấn công người đàn ông vô gia cư nhưng sau đó anh đã rời khỏi hiện trường trước khi viên cảnh sát xuất hiện. Tuy nhiên, tòa án vẫn tuyên Troy Davis là thủ phạm sát hại Macphail.
Tháng 9/2003, các tờ báo lớn đồng loạt đưa tin việc 7 trong số 9 nhân chứng đã rút lại lời khai của họ và nói rằng họ đã khai “bừa” vì bị cảnh sát gây áp lực, trong đó có 1 nhân chứng nói rằng Coles từng tiết lộ y mới chính là kẻ giết người.
Hơn nữa, phía cảnh sát cũng không tìm thấy bằng chứng ADN, dấu vân tay tại hiện trường vụ sát hại hay các chứng cứ pháp lý nào cho thấy Troy Davis dính líu đến vụ giết người, thậm chí khẩu súng gây án cũng chưa bao giờ được tìm thấy.
Mặc dù vậy, Troy Davis vẫn bị tuyên án tử hình.
Với những bằng chứng thiếu thuyết phục, một làn sóng phản đối quyết định của tòa án dấy lên trong dư luận Mỹ. Cho nên, ngày thi hành án với Troy Davis bị hoãn tới 4 lần.
Đến năm 2010, tòa án Mỹ đã cho Troy Davis một cơ hội được trình bày vụ việc của mình trong một phiên điều trần. Để được xét xử lại vụ án, yêu cầu đặt ra là các luật sư của Troy Davis phải đưa ra được các bằng chứng chứng minh anh này vô tội. Tuy nhiên, các bằng chứng được đưa ra tại phiên điều trần, theo tòa, là không thể đủ mạnh để khẳng định Davis vô tội.
Hiếm có tù nhân nào lại nhận được sự quan tâm của nhiều người như Davis. Chiến dịch vận động đòi trả tự do cho Troy Davis thu được hơn 640.000 chữ ký. Nhiều nhân vật nổi tiếng như cựu Giám đốc FBI, Giáo hoàng Benoit XVI và cựu Tổng thống Jimmy Carter cũng đã kêu gọi hủy án tử hình đối với Troy Davis.
Một nhóm người biểu tình có mặt trước cổng Tòa án Tối cao ở Washington, Mỹ trong khi nhóm khác tập trung tại một nhà thờ gần nhà tù Jackson thể hiện sự ủng hộ với Davis.
Vào ngày Troy Davis bị xử tử, trong khi Tòa án tối cao Mỹ xem xét đơn kháng cáo lần cuối của Troy Davis thì bên ngoài nhà tù, khoảng 700 người đã tập trung để thắp nến cầu nguyện và phản đối bản án mà họ cho là bất công nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ. Sau khi nghe tuyên bố từ tòa án y án tử hình đối với Davis, đám đông đã không còn giữ được bình tĩnh.
“Tôi vô tội. Tôi không hề có khẩu súng nào”, cho tới khi bị hành quyết Davis vẫn khăng khăng như vậy.
Cuối cùng, Troy Davis, 42 tuổi, đã bị xử tử bằng hình thức tiêm thuốc độc. Troy Davis chết đi nhưng những tranh cãi về sự phân biệt chủng tộc và giai cấp tiếp tục bùng lên dữ dội tại Mỹ.