Hết su hào tím, ổi tím giờ lại đến cà chua đen, chuối đỏ, cà rốt bảy sắc cầu vồng, củ cải đỏ,... gần đây là xoài tím sẫm. Chưa bao giờ, các loại rau củ quả có màu sắc "đột biến” lại xuất hiện nhiều trên thị trường như hiện nay. Chúng được quảng cáo là “loại quả siêu thực phẩm có tác dụng phòng chống ung thư” hay “có chất dinh dưỡng cao gấp 3-4 lần loại thường”,... khiến nhiều người mê mẩn.
Hầu hết những loại rau quả này đều có giá bán cao ngất ngưởng, song, người dân vẫn mua vì tò mò. Có loại quả luôn trong tình trạng “cháy” hàng.
Đơn cử như cà chua đen, mặc dù giá cao hơn cà chua đỏ thông thường cả chục lần nhưng người dân vẫn tranh nhau mua, thậm chí đăng ký cả năm mới mua được. Hay rau cải bảy sắc cầu vồng giá lên đến 70.000-80.000 đồng/kg, nhãn tím giá đắt gấp 3-4 lần nhãn thường, chuối đỏ giá nửa triệu đồng/nải,... mà cung vẫn không đủ cầu.
Cà chua đen đắt đỏ, khan hiếm vẫn được nhiều người lùng mua. |
Theo chị Trần Thanh Tú, chủ một cửa hàng chuyên về hạt giống ở thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội), các loại rau của quả có màu lạ đang được bán khá nhiều, có thể mua ở bất cứ cửa hàng hạt giống nào.
Chị Tú cho biết, phong trào trồng, mua và ăn rau củ quả có màu lạ hay củ quả tí hon mới rộ lên gần một năm nay. Hiện cửa hàng chị bán cả trăm loại hạt giống rau của quả lạ, nhập khẩu trực tiếp từ Nga, Mỹ với giá dao động từ 40.000-120.000 đồng/gói tùy loại. Có loại giá lên đến 15.000-20.000 đồng/hạt giống.
Tại các nước, những giống rau củ quả này được trồng khá phổ biến, như hoa hồng đen, thanh long ruột vàng,... Khi về đến Việt Nam, do màu sắc sặc sỡ, lạ mắt nên nhiều người thích thú tìm mua bằng được. Song, không ít người lại tỏ ra e ngại, sợ ăn vào sẽ không tốt cho sức khỏe. Một số người còn nói đó là sản phẩm biến đổi gen, chỉ nên trồng để làm cảnh cho vui chứ không nên ăn.
Theo TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, hầu hết loại rau củ có màu sắc lạ mắt, sặc sỡ là sản phẩm của công nghệ đột biến gen chứ không phải là sản phẩm biến đổi gen. Tức là những hạt giống, cây giống này được đem đi chiếu xạ bằng công nghệ hạt nhân, nhằm mục đích sắp xếp lại gen để thay đổi một số đặc tính (thay đổi một số đặc tính của cây con so với cây bố mẹ), tạo ra đột biến di truyền.
Chẳng hạn, các loại hoa lan rừng thông thường một năm chỉ cho hoa một lần, nhưng sau khi chiếu xạ có thể cho hoa tới ba, bốn lần trong năm. Sử dụng sản phẩm từ những loại cây trồng đột biến gen hoàn toàn không có bất cứ vấn đề gì phải lo ngại về vấn đề an toàn.
Rất nhiều người săn mua loại rau củ quả có màu lạ này vì tò mò, song cũng không ít người e ngại về độ an toàn của chúng. |
Tương tự, ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cũng khẳng định, đó đều là đặc tính của cây chứ không có gì lạ lẫm.
Theo ông Trung, hiện nay các giống rau củ quả, đặc biệt là quả có rất nhiều loại giống khác nhau. Ví dụ như táo, ở Pháp, Ba Lan, Úc,... mỗi quốc gia có đến hàng chục loại, mỗi loại lại có kích cỡ, màu sắc khác nhau. Chúng không sử dụng hóa chất mà do giống - công nghệ lai tạo giống để cho ra giống đột biến về màu sắc như vậy.
Hay như thanh long, trước Việt Nam chỉ có thanh long ruột trắng, nhưng giờ có cả thanh long ruột đỏ. Nhiều người tưởng thanh long đỏ là do cho chất gì vào, nhưng thực chất là sản phẩm của công nghệ lai tạo giống. Ăn thanh long ruột đỏ rất ngọt, thơm, thậm chí còn ngon và chất lượng hơn hẳn ruột trắng. Thế nên xoài đỏ, xoài tím, nhãn tím, chuối đỏ,... ăn thoải mái, không ngây hại gì cho sức khỏe cả.
“Vấn đề dinh dưỡng thì chưa thể khẳng định được, nhưng về mặt cảm giác, các loại rau củ quả này đang thể hiện đặc tính ưu việt của nó. Khi ăn, mọi người sẽ cảm thấy ngọt và thơm. Màu sắc bắt mắt lạ lẫm cũng khiến nhiều người thích thú”, ông Trung nói.
Riêng một số loại rau củ quả tí hon đang được nhập ồ ạt và bán tràn lan, ông Trung cho hay chúng ta đã cho nhập từ nhiều năm nay, nhưng ít người chú ý đến. Nay, thị trường chuộng thì người dân trồng nhiều nên mới được bày bán tràn lan như vậy.