Hiện nay, mức tiêu thụ muối trung bình của mỗi người Việt Nam trong một ngày là 9,4 gam, trong đó nam 10,5 g và nữ 8,3 g, gấp 2 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Khoảng 90% người Việt ăn thừa muối.
TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, khuyến cáo ăn thừa muối sẽ làm ảnh hưởng tới các tạng sau trong cơ thể:
Tim mạch
Ăn nhiều muối sẽ làm tăng gánh nặng cho tim do có liên quan tới bệnh tăng huyết áp. Chuyên gia lý giải nồng độ muối trong cơ thể là ổn định. Con người ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu. Lúc này, người ăn mặn sẽ cảm thấy khát nước và phải uống nước, đồng nghĩa việc tăng dung lượng máu và tăng áp lực lên thành mạch.
"Hai yếu tố tăng khối lượng máu và tính thẩm thấu dẫn tới huyết áp cao và quả tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn. Đối với người bị tăng huyết áp, ăn mặn có thể dẫn đến hàng loạt các vấn đề như suy tim, suy thận, suy gan, đột quỵ (đứt các mạch máu nhỏ). Người cao tuổi cộng thêm ăn mặn không khác gì án tử luôn treo lơ lửng trên đầu", TS Từ Ngữ nói.
Còn với trẻ nhỏ, nếu ăn mặn sớm cũng sẽ bị ảnh hưởng tới huyết áp và tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp và các bệnh lý khác.
Ăn mặn gây rất nhiều nguy cơ xấu cho cơ thể. (Ảnh: Getty Images) |
Thận
Theo TS Từ Ngữ, khi ăn nhiều muối, cơ thể sẽ phải tăng đào thải natri qua nước tiểu dẫn tới việc mất đi một số khoáng chất quan trọng như kali, canxi và gây ra bệnh sỏi thận, giảm chức năng thận.
Dạ dày
Chế độ ăn mặn khiến cho lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị tổn thương và tăng sự phát triển của vi khuẩn có hại. Người ăn mặn sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày cao hơn so với người thường. Người đã bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, nếu ăn nhiều mặn và chua sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Xương
Thừa muối sẽ khiến cho quá trình đào thải canxi qua nước tiểu tăng, nguy cơ gây ra loãng xương. WHO khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gram muối/ngày (tương đương một thìa cà phê) để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch, ung thư và bệnh không lây nhiễm khác.