Theo ông Boris Obnosov - Giám đốc Tập đoàn Vũ khí Tên lửa Chiến dịch – Chiến thuật (KTRV) của Nga, tập đoàn này sẵn sàng chuyển đổi tên lửa Nga để có thể trang bị cho máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.
Trả lời báo giới tại triển lãm hàng không MAKS tại Moscow, ông Boris cho hay: “Máy bay Pháp có thể được trang bị với tên lửa đối không tầm xa, tầm trung và tầm ngắn, bom dẫn đường. Những vũ khí này của Nga đều có hiệu năng tương đương nếu không muốn nói là tốt hơn vũ khí phương Tây”.
Trong cuộc đấu thầu mua máy bay tầm trung đa năng (MMRCA), Ấn Độ đã đưa ra yêu cầu về việc 18 máy bay đầu tiên phải có khả năng sử dụng các vũ khí được tích hợp. Hãng Dassault tất nhiên sẽ muốn Rafale được trang bị các tên lửa của Pháp, nhưng yêu cầu của Ấn Độ rất rõ ràng là loại máy bay trúng thầu phải có khả năng tích hợp các vũ khí theo lựa chọn của Không quân Ấn Độ.
Tiêm kích đa năng Rafale của Pháp có thể phải tích hợp vũ khí Nga thay dùng vũ khí của chính nước Pháp. |
Một trong những lý do khiến việc ký hợp đồng MMRCA bị trì hoãn là việc sử dụng vũ khí từ bên thứ 3. Tờ Aviation News International cho biết: “Có vẻ Không quân Ấn Độ đang xem xét việc nâng cấp trong tương lai của Rafale. Đây là một trong những lý do khiến Pháp và Ấn Độ vẫn chưa ký được hợp đồng chính thức về Rafale”.
Việc trang bị vũ khí Nga cho các máy bay Pháp đã từng có tiền lệ trước đây. Mẫu máy bay chiến đấu Dassault Mirage F1EQ của Không quân Iraq từng được trang bị tên lửa không đối đất Vympel Kh-29L của Nga. Mẫu Mirage F1 của Không quân Nam Phi cũng từng mang tên lửa không đối không tầm ngắn Vympel R-73E. Loại tên lửa này cũng từng được bắn thử từ máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas của Ấn Độ.
Ông Obnosov cho biết, người Pháp có một số hứng thú với việc cải tiến các sản phẩm của KTRV nhằm được sử dụng trên máy bay chiến đấu Rafale nhằm chiến thắng trong đấu thầu với Ấn Độ. Ông này nói thêm rằng, việc cải tiến này khá phức tạp và khó có thể giải quyết dễ dàng nhưng KTRV đang trong quá trình làm việc.
Ấn Độ rất ủng hộ cho việc cải tiến này khi nước này có số lượng lớn tên lửa Nga trong kho vũ khí. Ngoài một số tên lửa không đối không MICA đi kèm mẫu máy bay chiến đấu Mirage 2000, Không quân Ấn Độ không có loại vũ khí nào thích hợp với Rafale.
Tên lửa đối không R-73E có thể được tích hợp trên máy bay Rafale. |
Rào cản duy nhất không chỉ là kỹ thuật mà còn là giá thành. Tờ Defence Industry Daily cho biết Dassault và KTRV sẽ phải phát triển cổng giao tiếp cho các sản phẩm của KTRV cũng như sửa chữa một số loại tên lửa. Việc sửa chữa và tích hợp này sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Ngày nay trong các cuộc không chiến, tên lửa không đối không trở thành vũ khí quan trọng của các máy bay chiến đấu để làm chủ bầu trời. Trước những năm 1980, khi Su-27 Flanker ra đời, người Nga chống lại các máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ như F-14, F-15 và F-16 bằng việc phát triển các loại tên lửa. Đây cũng là lý do người Nga làm chủ bầu trời với các tên lửa không đối không. Không quân Ấn Độ cũng hiểu điều này và đang tìm cách ứng dụng chiến thuật kể trên.