Mỗi năm vào đêm 14 tháng Giêng, hàng vạn người lại đổ về khu di tích đền Trần ở ngoại ô thành phố Nam Định để dự hội khai ấn. Cũng không biết tự bao giờ, người ta cho rằng xin được mảnh giấy có đóng cái ấn ở đền Trần thì công danh sự nghiệp sẽ thăng tiến. Bởi vậy mấy năm trở lại đây, hội khai ấn đền Trần càng ngày càng thu hút đông người tới dự. Mỗi tờ giấy đóng cái ấn của nhà đền được niêm yết giá tùy theo năm. Cũng do lượng người quá đông nên có năm đã phát sinh các vấn đề đầu cơ giấy có đóng ấn.
Để có cái nhìn rõ ràng về hội khai ấn đền Trần cũng như ý nghĩa của cái ấn này có phải là “linh vật” giúp đường công danh hay không, chúng ta hãy nhìn thẳng vào trong gốc gác của ngày hội này.
Cảnh lễ hội khai ấn. Ảnh: Vnexpress. |
Trên nhiều trang báo, trang mạng lâu nay thường cho rằng hội khai ấn ở đền Trần vốn là truyền thống từ thời các vua Trần còn trị vì. Theo đó, có thuyết nói mỗi năm vào dịp tết Nguyên đán, các vua Trần từ Thăng Long về đất tổ Thiên Trường ăn tết và vào đêm 14 tháng Giêng các vua Trần thường tổ chức lễ khai ấn để chấm dứt kỳ nghỉ tết, bắt đầu công việc triều chính trở lại. Có lẽ cũng vì quan niệm như thế, người ta tin rằng nếu xin được tờ giấy có đóng ấn của vua Trần thì mọi việc trong quan trường, thương trường sẽ hanh thông, thuận buồm xuôi gió.
Tuy nhiên trong các tài liệu lịch sử chính thống như Đại Việt sử ký, Đại Việt sử lược... đều không thấy nói gì đến tục khai ấn ở đền Trần. Mặt khác, các sách lịch sử, cũng hầu như không nói rằng hàng năm các vua Trần về Thiên Trường (Nam Định ngày nay) để ăn tết.
Trong bài viết "Về lệ khai ấn đền Trần" đăng trên website Thuviennamdinh.vn (của Thư viện tỉnh Nam Định) hai tác giả Trần Mỹ Giống và Dương Văn Vượng cũng viết: “Chúng tôi đã bỏ nhiều thời gian tra cứu, nhưng không tìm thấy một bộ chính sử nào của nước ta chép việc nhà Trần có lệ khai ấn đền Trần (Nam Định)”.
Hai tác giả cũng lần lượt liệt kê một số ý kiến của các nhà nghiên cứu chuyên ngành của Nam Định được đưa ra trong hội thảo “Lễ khai ấn đầu xuân tại đền Trần Nam Định – giá trị và giải pháp bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc”. Theo đó, tất cả các ý kiến của các nhà nghiên cứu địa phương đều không có một bằng chứng bằng văn bản đáng tin cậy nào, chỉ dựa trên lời kể của các vị cao niên.
Một vị du khách cầm trên tay tờ điệp có đóng ấn ghi chữ "Trần miếu tự điển". Ảnh: Tuổi trẻ. |
Tuy vậy, hai tác giả cũng đưa ra một tư liệu có liên quan đến nguồn gốc lễ hội khai ấn. Đó là bài thơ “Thập tứ dạ quan khai ấn hội” (tức Đêm 14 xem hội khai ấn), của Đỗ Hựu được chép trong cuốn 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thiên Trường do Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định xuất bản năm 2010. Theo sử sách, Đỗ Hựu sinh năm 1441, quê xã Đại Nhiễm nay là xã Yên Bình, huyện Ý Yên, Nam Định. Ông này đỗ Tiến sĩ năm 1478 đời Lê Thánh Tông.
Bài thơ chữ Hán được Dương Văn Vượng dịch thơ như sau:
Từng nghe ngày trước Trần Vương
Tức Mặc còn có tổ đường nơi đây
Dời về Vạn Khoảnh đất này
Khang thôn định trạch thảo ngay hòa hài
Lòng thành tế cá hôm mai
Khai ấn cầu vọng lâu dài yên vui
Đến nay đâu sánh ở đời
Dân thôn mãi mãi bày lời tạ ơn.
Đến đây giả dụ chúng ta cứ cho rằng tục khai ấn có từ đời Trần như bài thơ của Đỗ Hựu thì một vấn đề nữa phát sinh. Đó là khai ấn nào. Theo nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang trong bài Tìm hiểu lệ khai ấn thì cái ấn khai vào đêm 14 tháng giêng là ấn điển thờ ở miếu tổ nhà Trần. Ấn đó dành cho nhân dân đi lễ đầu năm, xin tờ điệp có đóng ấn đem về nhà treo để trừ tà ma, cầu bình an khỏe mạnh, mọi việc như ý.
Những năm gần đây, ban tổ chức lễ hội đều sử dụng loại ấn điển thờ có chữ “Trần miếu tự điển” để đóng vào các tờ giấy trong mỗi dịp hội khai ấn đầu xuân.
Như vậy, đối với tục khai ấn, bảo rằng là việc làm nối tiếp truyền thống khai ấn để quay lại việc quan của vua Trần thì chưa có căn cứ để chứng minh. Còn nếu mong rằng xin được ấn thì công danh sẽ thuận lợi thì lại càng sai lầm. Bởi vì ấn đó ngày nay chỉ đóng ấn điển thờ của tổ miếu nhà Trần với chữ “Trần miếu tự điển”. Ấn đó như đã nói là có tác dụng trừ tà ma, cầu bình an khỏe mạnh. Mặt khác, dù có xin được ấn triện dùng trong việc triều đình của vua Trần đi chăng nữa thì có thuận công danh hay không cũng là do chính năng lực của mỗi người. Không thể làm sai, làm hỏng mà vẫn mong “lên như diều” là điều không thể có được.