Mới đây Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương công bố kết quả kiểm nghiệm đối với thực phẩm chức năng (TPCN) An cung ngưu Hoàng Hoàn (Angungguhwanghwan), theo đó loại TPCN này có chứa kim loại vượt ngưỡng hàng ngàn lần so với mức cho phép. Ngoài ra, trong thành phần của An cung ngưu Hoàng Hoàn còn chứa một số dược liệu cực độc như: thắng sa, chi sa, xạ hương …
Mặt trước của sản phẩm TPCN An cung ngưu Hoàng Hoàn có xuất xứ từ Triều Tiên chứa kim loại vượt ngưỡng cho phép. |
Mặt sau của sản phẩm có ghi các thông tin về sản phẩm bằng cả tiếng anh. |
Để có cái nhìn khách quan nhất về vấn đề này, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Đại tá, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn – Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, người đã có nhiều năm nghiên cứu về các bài thuốc đông y.
Đại tá, BS Hoàng Khánh Toàn, cho biết: “Tôi cảm thấy sốc khi nghe tin An cung ngưu Hoàng hoàn là được nhập vào Việt Nam dưới dạng thực phẩm chức năng”.
Theo Đại tá Hoàng Khánh Toàn, An cung ngưu Hoàng Hoàn (ACNHH) là một bài thuốc rất quý, đã được sử dụng hàng trăm năm nay, bài thuốc này chuyên dùng để thanh nhiệt giải độc, chuyên trị bệnh khi bị ôn bệnh, nội tà … gây ra tình trạng sốt cao, thần trí hôn mê và đặc biệt là tai biến mạch máu não.
“Tôi phải khẳng định đây là một loại thuốc chữa bệnh chứ không phải là thực phẩm chức năng, nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng lại cho nhập vào với tên gọi là TPCN. Theo tôi, đây là một lỗ hổng rất lớn của cơ quan quản lý. Nếu như chúng ta nhập một loại TPCN có liên quan đến nhân sâm hay các loại dược liệu lành tính khác thì không nói.
Nhưng đây là một thứ thuốc có độc dược, thuốc bệnh trong đó có chứa một số kim loại nặng, thì việc kiểm nghiệm và cấp phép nó không thể cho nhập dưới dạng thực phẩm chức năng. Nếu cho nhập vào dưới dạng TPCN như sản phẩm này là một sai lầm của cơ quan quản lý”, Đại tá Toàn cho hay.
Nói về thành phần độc dược trong ACNHH, ông Toàn phân tích, trong y học cổ truyền thường có một quan điểm là “lấy độc trị độc”, nên khi gặp bệnh khó chữa, ông cha ta vẫn vẫn sử dụng một số dược liệu có độc tính như chu sa, thần sa… nhưng các vị thuốc này phải được bào chế cẩn thận.
Th.s.BS Hoàng Khánh Toàn khẳng định: ACNHH là thuốc chứ không thể coi là TPCN. |
Bởi vậy, việc ACNHH có chu sa, thần sa là chuyện bình thường, phải có các thành phần đó thì nó mới đạt được giá trị chữa bệnh. Nhưng vấn đề ở chỗ bào chế và dùng công thức ra sao? Kiểm nghiệm như thế nào? Cái đó lại thuộc về nơi sản xuất và phân phối sản phẩm.
“Hiện nay, có một số loại thuốc đông dược được bào chế có những vị độc tính, nhưng được cấp phép là thực phẩm chức năng như sản phẩm ACNHH nói trên. Tôi cho rằng đây là điều chúng ta phải xem lại. Bởi, kể cả đông y nếu trong sản phẩm thành phẩm đó có thành phần dược liệu độc tính thì không thể cấp phép là TPCN, mà phải là dạng thuốc, đã là dạng thuốc thì phải được kiểm nghiệm, trước khi đưa ra thị trường và có hướng dẫn của thầy thuốc khi sử dụng”, BS. Toàn nói.
Riêng về việc, ACNHH có chứa kim loại như thủy ngân hay asen, ông Toàn cho biết, từ trước đến nay y học cổ truyền vẫn sử dụng và nếu chỉ định đúng và ở mức cho phép thì vẫn đem lại hiệu quả và không hề độc hại cho người bệnh.
Hơn nữa, việc Cục quản lý Dược ra công văn cho rằng, ACNHH nhiễm kim loại vượt hàng ngàn lần thì cũng cần phải xem lại. Bởi viên ACNHH chỉ nặng có “một tiền” (đơn vị tính trong đông y – PV), vì thế theo công thức của cổ nhân thì nó không bao giờ vượt quá ngưỡng cho phép cao như vậy.
Hơn nữa, đây là sản phẩm đã được sử dụng hàng trăm năm nay, vì thế nếu sản xuất chuẩn, chỉ định đúng, sử dụng đúng thì sẽ đem lại hiệu quả tốt. Nên việc cơ sở nhập sản phẩm không đảm bảo chất lượng, lại nhập ở dưới dạng TPCN là điều đáng báo động và trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý.
“ACNHH được coi là TPCN là vô cùng nguy hiểm. Vì thế cần phải có sự kiểm nghiệm chặt trẽ trước khi ra mắt thị trường, điều này để lại tiếng sau cho y học cổ truyền. Đây là điều cảnh tỉnh cho cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng trong việc nhập các sản phẩm”, B.S Toàn khẳng định.
*Bài tiếp: Cục trưởng Cục ATTP lý giải ACNHH là TPCN