Trong Tây Du Ký, 4 thầy trò Đường Tăng là 4 nét tính cách hoàn toàn khác nhau. Trong khi Đường Tăng hiền lành, đôi lúc nhu nhược thì Tôn Ngộ Không lại cực kì nóng nảy và ngang tàng. Trái với đại sư huynh, Sa Tăng lại ít nói, điềm đạm và hầu như không bao giờ tham gia vào những cuộc tranh cãi. Người có tính cách đặc biệt nhất chính là Trư Bát Giới. Hắn không đại diện cho dục vọng, tham, sân si trong con người. Tuy nhiên, với những người từng trải thì Trư Bát Giới lại chính là người có phúc nhất.
Trước hết, Trư Bát Giới luôn thờ ơ trong mọi tình huống. Rõ ràng hắn có năng lực, dư sức đánh bại yêu quái nhưng lại chỉ vài chiêu giao chiến đã bỏ chạy, phó mặc thế trận cho đại sự huynh. Thực ra với nguồn gốc là đại tướng trên Thiên Đình, Trư Bát Giới thừa hiểu thân thế cũng như vai trò của yêu quái trên đường đi thỉnh kinh, do đó hắn không muốn phí sức với chúng. Chỉ đến những khi rơi vào tình huống nguy nan, như khi Tôn Ngộ Không bị Tam muội chân hỏa của Hồng Hài Nhi đánh ngất, hắn mới ra tay (dùng thuật cải tử hoàn sinh hồi sinh sư huynh của mình).
Thứ hai, Trư Bát Giới trải nghiệm được đủ thứ cảm xúc trên đời. Ban đầu, hắn luôn thèm muốn thế giới phàm trần với đủ loại dục vọng. Sở dĩ Trư Bát Giới chấp nhận đi thỉnh kinh vì coi đó là nhiệm vụ nên làm và phải làm. Thế nhưng, trải qua đủ khó khăn và kiếp nạn, hắn ngộ ra được sự quý giá của tâm Phật, còn đượcphong tặng danh hiệu "Tịnh Đàn sứ giả". Rõ ràng, từ Đường Tăng, Tôn Ngộ Không đến Sa Tăng, không ai có được trải nghiệm đủ đầy như Trư Bát Giới.
Ngày bé ai cũng muốn làm Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, diệt trừ yêu ma, muốn làm Đường Tăng một lòng hướng Phật, không vướng bụi trần nhưng lại quên mất rằng người càng giỏi càng phải gánh vác trách nhiệm nặng nề, người quá lương thiện sẽ phải chịu không ít thiệt thòi. Càng lớn ta sẽ càng thấy, làm Trư Bát Giới chính là có phúc nhất!