Sau sự kiện "cửu tử đoạt đích" lưu truyền ngàn đời, Dận Chân là người chiến thắng cuối cùng, ngồi lên được ngai vàng. Ngoài sự hỗ trợ của hai vị đại thần là Niên Canh Nghiêu và Long Khoa Đa thì không thể không nhắc đến nhóm "Niêm Can thị vệ" của Ung Chính. Bề ngoài là đội thị vệ có nhiệm vụ bảo vệ, phục vụ các thú vui của chủ nhân nhưng thực chất đây lại là một tổ chức tình báo nhỏ, một nhóm sát thủ đúng nghĩa.
Từ khi Ung Chính còn là hoàng tử, Niêm Can thị vệ đã tỏ ra vô cùng hữu ích khi có thể lo từ việc bắt ve, bắt côn trùng cho đến rình rập sau lưng các đối thủ của chủ nhân. Những thông tin do Niêm Can thị vệ mang về đã giúp Ung Chính khi đó nắm bắt được các phe phái trong triều, chọn đúng người làm đồng minh.
Sau khi Ung Chính đăng cơ, Niêm Can xứ có tiền thân là Niêm Can thị vệ được thành lập. Tổ chức thuộc Nội vụ phủ này không chỉ là cơ quan giám sát, điều tra quan lại và báo cáo trực tiếp cho Ung Chính mà còn được cho là đảm nhiệm cả mệnh lệnh ám sát do vua chỉ thị. Mọi thông tin nội bộ như quân số, tổ chức,... của Niêm Can xứ đều được bảo mật, hành vi thì "xuất quỷ nhập thần", từ quan lại đến dân thường đều vô cùng kinh sợ.
Trong Niêm Can xứ có một nhánh nhỏ chuyên thực hiện các nhiệm vụ ám sát được gọi với cái tên Huyết Trích Tử. Dù chính sử nhà Thanh không thừa nhận sự tồn tại nhưng trong dân gian lại có vô số câu chuyện đồn đại đáng sợ về nhóm này.
Các thành viên Huyết Trích Tử được cho là chuyên sử dụng loại vũ khí cùng tên làm bằng sắt, hình dạng giống chiếc lồng chim hoặc chuông, ngoài phủ lưỡi cưa và hoạt động dựa trên nguyên lý lên dây cót. Nó có thể phóng trong phạm vi 100 bước (khoảng 100 mét), khi đầu nạn nhân bị vũ khí này trùm kín thì sát thủ chỉ cần giật mạnh dây xích là các lưỡi dao bên trong Huyết Trích Tử sẽ phóng ra, cắt lìa đầu nạn nhân và nhanh chóng thu về vị trí cũ. Nhờ vậy nên rất khó điều tra được danh tính của nạn nhân.
Huyết Trích Tử còn có tin đồn là một loại độc bào chế từ nhiều độc dược và nọc rắn, làm cho bất cứ ai dính phải sẽ mưng mủ toàn thân và nhanh chóng trở thành một vũng máu.
Vào thời Ung Chính, Niêm Can xứ hoạt động mạnh nhất nhưng đến thời Càn Long (1711-1799), vì vua quá dung túng cho tham quan tham (điển hình là Hòa Thân) nên tổ chức này không được xem trọng. Cuối cùng nó chính thức bị bãi bỏ vào thời Gia Khánh (1760 – 1820).