Ai Cập đang mấp mé bờ vực nội chiến, nhưng... |
Theo những ước tính khiêm tốn nhất, đã có hơn 600 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người Hồi giáo cực đoan. Chưa bao giờ đất nước Ai Cập bị mất nhiều công dân đến như vậy, kể từ thời "Chiến tranh Yom Kippur" (chiến tranh Arập-Israel lần thứ tư).
Bạo loạn lan từ Cairo sang các thành phố khác. Theo số liệu chính thức, đã có hơn 600 người chết trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người Hồi giáo cực đoan. Trong khi đó, tổ chức “Anh em Hồi giáo” nói hơn 2.000 người chết và hơn 10.000 người bị thương.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đất nước Ai Cập đang “mấp mé bờ vực nội chiến nhưng sẽ không trượt chân rơi xuống vực.
Nhiều chuyên gia cho rằng ở Ai Cập sẽ không xảy ra cuộc xung đột quy mô lớn giữa hai phe đối địch. Căng thẳng ở Ai Cập sẽ giảm dần và điều quan trọng là sẽ không xảy ra một cuộc nội chiến.
Chuyên gia Sergey Demidenko của Viện Phân tích và Nghiên cứu Chiến lược (Liên bang Nga) nhận định: “Rất ít khả năng xảy ra nội chiến ở Ai Cập. Ở nước này có sự leo thang căng thẳng, có các vụ tấn công khủng bố, có chiến tranh du kích, có diễn biến leo thang căng thẳng trên bán đảo Sinai. Nhưng, ít khả năng sẽ có cuộc nội chiến. Bởi vì, theo quan điểm của tôi, ở Ai Cập không có tiền đề cho điều đó. Ở quốc gia này các vấn đề dân tộc và tôn giáo không trầm trọng như ở Iraq hay Syria. Nói chung, đa số người dân ủng hộ quân đội. Và thứ hai, bản thân tổ chức ‘Anh em Hồi giáo’ cũng không sẵn sàng giao chiến. Một điều quan trọng nữa là hầu hết các nước trong khu vực đều ủng hộ hành động của quân đội Ai Cập”.
Đồng thời, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng các phần tử cực đoan đang đánh nhau ở Syria có thể trở lại Ai Cập. Ngay trước khi xảy ra “Ngày Thứ Tư đẫm máu” (14/8), quân đội Ai Cập đã phải đánh nhau với các phần tử cực đoan trên bán đảo Sinai. Vì thế, việc chính phủ lâm thời Ai Cập ban bố tình trạng khẩn cấp không phải là “thái quá”.