The Economist cho rằng sự gia tăng về số lượng ô tô đã khiến cho những thành phố lớn của Việt Nam trở nên đông nghẹt. Theo tờ báo này, số lượng xe ô tô, xe tải, xe chở khách bán ra đã tăng 55% so với năm 2015 và tăng khoảng 1/3 từ đầu năm đến nay. Hầu hết số lượng xe này đổ về hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, nơi chiếm tới một nửa dân số thành thị của Việt Nam.
So với những hàng xóm đông đốc khác, giao thông ở Việt Nam tại các thành phố lớn cũng không quá tắc nghẽn. 40 triệu xe máy của Việt Nam có thể khiến người đi bộ khiếp đảm nhưng vẫn có thể luồn lách trên những tuyến phố hẹp hay các con ngõ nhỏ. Trong khi đó, ô tô, ngược lại, chính là thứ khiến chiếc ống giao thông bị bịt chặt.
Chỉ có khoảng 9% diện tích trung tâm Hà Nội được xây dựng các con đường cấp một và cấp hai, so với 32% ở Manhattan, New York. Ngân hàng thế giới năm 2011 cũng đã tính toán rằng nếu số lượng sử dụng ô tô đạt mức tối thiểu nhất như ở Malaysia thì thủ đô của Việt Nam có thể sẽ phải ngừng hoạt động vì không còn lối nào để đi.
![]() |
Giao thông Việt Nam giờ cao điểm được ví như "ác mộng". Nguồn: Getty |
Theo học giả Arve Hansen, chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề mâu thuẫn. Một mặt ủng hộ sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nhưng đồng thời cũng áp thuế cao đối với người mua vì lo sợ tắc đường.
Một số thỏa thuận thương mại mà Việt Nam ký kết gần đây cuối cùng sẽ giảm bớt quyền của Chính phủ trong việc kiểm soát sử dụng ôtô thông qua thuế. Một thỏa thuận thương mại với các nước Đông Nam Á, có hiệu lực đầy đủ vào năm 2018, có thể mở đường cho xe hơi giá rẻ từ Thái Lan ồ ạt vào Việt Nam.
Thế nhưng, việc mua ô tô vẫn có sức hấp dẫn đối với người Việt Nam mặc cho đường phố ngày một đông đúc. Ngoài ra, rủi ro va chạm với ô tô càng khiến cho việc đi xe máy trở nên nguy hiểm hơn. Những người đi xe máy dù biết mình sẽ gặp tắc đường nhưng họ thà ngồi trong xe ô tô máy lạnh còn hơn mướt mồ hôi hít bụi cùng xe máy.
Phương tiện công cộng như xe bus cũng không thu hút được người dân bởi thời gian di chuyển quá lâu, cộng thêm việc nóng bức và không đáng tin cậy. Tỷ lệ sử dụng xe bus trợ giá ở Hà Nội đã giảm 14% trong năm nay.
Hệ thống đường sắt đô thị mới có thể giải quyết được phần nào vấn đề tắc đường. Tuyến đầu tiên trong số ít nhất 6 tuyến metro đang được xây dựng ở TP HCM và 2 tuyến đường sắt trên cao cũng đang được xây dựng ở Hà Nội. Tuy nhiên, sẽ còn mất hàng năm nữa để hoàn thành các hệ thống này và các thành phố vẫn không ngừng phát triển chóng mặt trong khoảng thời gian này. Đặc biệt ở thủ đô Hà Nội vẫn đang mở rộng diện tích với những chính sách khuyến khích các chính quyền quận huyện cải thiện tình trạng giao thông.
Các quan chức hai thành phố cũng đang nỗ lực để hạn chế tình trạng này. Ở thành phố Hồ Chí Minh là thu hẹp vỉa hè và mở rộng đường, trong khi Hà Nội hứa hẹn sẽ cung cấp dịch vụ xe bus tốt hơn. Hồi tháng 6 vừa qua, chính quyền thành phố Hà Nội từng cho biết với việc cải thiện hệ thống giao thông công cộng sẽ giúp thành phố này có thể ban hành lệnh cấm 5 triệu xe máy di chuyển vào khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, theo The Economist, tốt hơn là nên cấm ô tô thay vì xe máy.
Mời quý độc giả xem video Quy hoạch vùng Hà Nội (nguồn Youtube):